RÚT KINH NGHIỆM SAU “THE DAILY SHOW”
(SDL).
Tôi cũng đã sống sót qua màn xuất hiện trên chương trình The daily
show
. Sau đây là vài suy ngẫm ngẫu nhiên về trải nghiệm này:
Trước tiên, chắc chắn Jon Stewart có vẻ như là một người rất tuyệt. Luôn
thông minh, thân thiện, thực tế, hài hước bất kể trước hay sau ống kính máy
quay. Có lẽ một lúc nào đó ông nên chạy đua tranh cử tổng thống. Tôi sẽ
bầu cho ông. Vấn đề duy nhất của ông là ông không cao lắm và người Mỹ
thì ngày càng thích tổng thống của mình phải cao.
Thứ hai, khi ngồi trong phòng thu, bất kể cố gắng đến đâu, bạn cũng
không thể nào hình dung nổi có 2 triệu người đang theo dõi những gì mình
đang làm (trong trường hợp của tôi là 2.000.002 người vì cha mẹ tôi
thường không xem tivi, nhưng tối qua thì hai cụ có xem). Chuyện này thì
tốt thôi nếu bạn giống tôi, một người vốn có xu hướng bài xã hội và sợ đám
đông. Chắc chắn sẽ kinh dị hơn nhiều nếu phải tiến hành phỏng vấn trước
một đám đông khán giả gồm 2 triệu người xem trực tiếp, trải khắp các
trung tâm mua sắm ở Washington.
Thứ ba, các chương trình truyền hình, có lẽ ngoại trừ chương trình
Charlie Rose ra, là một phương tiện tệ hại nếu ta cố nói chuyện về sách vở.
Tôi đã có một cuộc phỏng vấn dài – hơn sáu phút – nhưng Stewart hỏi
những câu hỏi khó đến nỗi tôi không thể đưa ra câu trả lời thật sự (chẳng
hạn ông muốn tôi giải thích về phân tích hồi quy nhưng chỉ được giải thích
trong 15 giây). Một điểm chính yếu trong Kinh tế học hài hước là chúng tôi
cố gắng chỉ cho độc giả thấy chúng tôi đi đến câu trả lời của mình như thế
nào chứ không phải chỉ khẳng định là chúng tôi đúng. Trên truyền hình, tôi
không có thời gian để đi theo lối ấy.
Thứ tư, chắc chắn sẽ rất tuyệt nếu được ngồi trước một đám đông khán
giả cười sặc sụa và phản ứng với bất kỳ điều gì ta nói (chẳng hạn, tôi không
chắc tại sao, nhưng thính giả đã phá lên cười khi tôi đề cập đến ma túy đá).