Kha năn nỉ:
- Anh Ba! Tôi biết là tôi sai lời, không trọng chữ Tín với anh, anh tha lỗi
cho tôi. Tôi cũng không muốn làm người quân tử. Thà làm một người
thường thường mà... Tôi không bỏ anh đâu, sau này, anh cần gì tôi sẽ giúp
anh, mà giúp trong công việc khác kìa... chớ còn... Thật đó, anh Ba! Không
được, thà tôi nghèo đói, thà tôi... Xin lỗi anh Ba...
Ba Bụng nghe rưng rưng trong lòng. Lần thứ nhất hắn xúc động vì những
lời lẽ chân thành của đàn em: nhìn kỹ mặt Kha, hắn biết khó mà lay chuyển
nổi ý định của Kha, cái mồi Sài gòn, chữ Tín đều vô hiệu lực. Kha có lý,
hắn không có quyền lôi thêm một kẻ khác xuống bùn nhơ. Mình hắn đủ
rồi... Ba Bụng cất giọng buồn bã:
- Em Kha! Em nói phải! Anh không ép em đâu. Nghề ăn trộm có tốt lành
gì, chẳng qua...
Im bặt nửa chừng, Bụng ho khan năm sáu tiếng. Hắn có tật hễ xúc động là
ho khan. Kha ái ngại nhìn Bụng, hỏi nho nhỏ:
- Anh Ba! Anh không giận em chớ? Anh hiểu cho em chớ?
- Không đâu. Qua rất phục em. Qua rất hiểu em!
Hai người chia tay. Ba Bụng đi không muốn nổi. Còn Kha? Kha cũng buồn
chút chút - Có cuộc chia tay nào mà không một chút bùi ngùi? - Nhưng chỉ
năm phút sau là Kha vui lại ngay. Vì hắn nghĩ đến những khuôn mặt sáng
ngời xinh đẹp của ba đứa trẻ, nhất là nhớ câu chúng nói về hắn lúc chiều:
"Cậu không có tướng như vậy! Cậu chỉ có vẻ buồn buồn, cậu dễ thương
mà”.
"Cậu dễ thương” - Kha thốt lên nhỏ nhỏ. Phải, từ nay Kha sẽ cố gắng để
được dễ thương, tuy gã không được cái diễm phúc có những đứa cháu dễ
thương như vậy.
À! Mà biết chừng đâu? Có một ngày kia, tu tỉnh làm ăn đàng hoàng, gã sẽ
mạnh bạo gõ cửa nhà ba đứa - dĩ nhiên lựa lúc cha mẹ chúng vắng nhà - vô
thăm mà nói: "ông cậu giả của các cháu đây!" cùng với rất nhiều quà dưới
nách.