Diệp Tri Thu cũng liếc sang anh một cái, đoạn hỏi: “Nghề nghiệp
chính đáng sao? Anh là người Chiết Giang đúng không?”.
Hứa Chí Hằng gật đầu. Cô tiếp:.
“Khi tôi đi công tác ở Chiết Giang cũng đã gặp rất nhiều người giống
anh.”
“Tôi còn không biết mình như thế nào, cô nói tôi nghe xem nào”, Hứa
Chí Hằng tò mò hỏi.
“Mặc áo tây hiệu Armani, quần hàng hiệu, chân đi giày thể thao hàng
độc, lưng khoác ba lô hiệu LV, lái xe Cayenne, nghe nói đó là tiêu chuẩn
mà những kẻ chuyên cho vay nặng lãi muốn thể hiện đẳng cấp thường
dùng. Xem ra anh chỉ thiếu mỗi ba lô LV thôi.” Hứa Chí Hằng nghe mà
buồn nôn. Anh biết ở quê mình đúng là có một số kẻ cho vay nặng lãi kiếm
tiền bất hợp pháp nhưng lại hay khoa trương. Nhưng anh đường đường là
một thạc sĩ tốt nghiệp Đại học Stanford, lại có mấy năm lăn lộn ở Thượng
Hải làm quản lý cho những công ty có tiếng tăm, không ngờ giờ lại bị
người ta xếp chung với loại người kia.
Nhưng nhìn lại, anh cũng thấy cách ăn mặc của mình hôm nay quả
thật không sai với kiểu ví von của Diệp Tri Thu. Chiếc áo khoác Armani là
do người yêu cũ trong thời gian ở Thượng Hải đã kiên quyết bắt anh mua
bằng được chứ thực ra anh là người khá thoải mái trong chuyện ăn mặc,
cũng không hâm mộ hàng hiệu châu Âu lắm, khi nào ra khỏi nhà là lấy đại
một cái mặc vào. Cái quần bò hiệu GAP thì mua từ hồi còn du học bên Mỹ,
cũng chỉ là một nhãn hiệu bình thường ở bên đó, anh đã mặc mấy năm nay
rồi, cảm thấy mặc rất thoải mái nên nó thường xuyên được anh lựa chọn.
Đôi giày thể thao thì đích thực là hàng độc nhưng hoàn toàn chỉ là sở thích.
Ngay cả với chiếc xe Cayenne này cũng là quà người nhà mua tặng anh,
hơn nữa anh cũng không có sở thích đặc biệt gì về xe cộ nên nhận nó dùng
luôn. Không ngờ sự kết hợp ấy lại có hiệu quả như vậy.