Tôn quýnh quáng buông máy. Kiêu đồ rằng anh sẽ vui lắm, không
phải dùng đến chiếc xe ca tàng đó, vẫn có việc làm, có chỗ ăn chỗ ở. Thỏa
khao khát lên phố của anh, đỡ vướng víu vào cái vòng luẩn quẩn của làng
quê. Đã là làng quê thì biết đời nào mở mày mở mặt.
Một ngày, có người đàn ông lạ xuất hiện ở nhà Kiêu. Cậu đi học về
thấy ông ta đang nói chuyện với mẹ nuôi ở bàn khách. Cậu cúi đầu, khẽ
“chào bác” rồi đi lên cầu thang. Người đàn ông khen cậu đẹp trai, rất có
phong độ. Ông thấy cậu sơvin, đầu chải mượt, đeo giày đen mõm ngóe,
nom chững chạc thì cười. Hẳn là mẹ đã kể về cậu cho ông ta. Kiêu đoán.
Lúc ông ta vừa bước vào nhà sau hồi gõ cửa, bà Hát vội ấn con rùa
dưới sàn vào một cái hộp để nó khỏi bò ra ngoài. Bà muốn giấu không cho
người đàn ông kia biết mình đang hành hạ một con rùa mang tên Ngõa.
Không ai hiểu tâm trạng bà dồn nén ứ đọng những suy nghĩ trái chiều,
những tâm sự ngổn ngang.
- Thôi được rồi - Bà Hát nói - Ông đã đặt vào đời tôi rất nhiều đau
khổ, giờ thì đi đi, đừng bao giờ đến đây tìm tôi nữa, để tôi yên.
Gần hai tiếng đồng hồ đã qua ông không thuyết phục được bà, không
làm sao để bà nguôi giận, chấp nhận lời đề nghị của mình. Bà dứt khoát
chối từ. Đứa con đã chết, chẳng còn sợi dây nào níu kéo hai người, bà đã
đằng đẵng hận thù. Bao nhiêu năm qua bà chịu đau khổ, ông đã đi đâu?
Bao nhiêu ngày tháng bà sống trong nước mắt, ông có thấy nước mắt bà
chảy dài? Không, tuyệt nhiên ông biến mất. Cái sự biến mất của ông gây ra
nhiều đau khổ, sự đợi chờ, tuyệt vọng. Có bao giờ ông nghĩ người đàn bà
này sẽ hận ông, như hận những cơn bão cướp đi tuổi trẻ và ước nguyện?
“Ông đã quên mất tôi, để tôi chịu khổ thêm nhiều năm nữa, ông đàn
đúm ở phương trời nào?”. Không cầm được xúc động, nước mắt nước mũi
dồn xuống mồm, đắng ngắt, một phần nước mắt nước mũi chui vào dạ dày.