- Kiêu chỉ muốn nói lời xin lỗi Hoằng. Đừng giận tớ nhé, tớ biết là có
lỗi với cậu. Nhưng là trường hợp bất đắc dĩ. Hãy tha thứ cho tớ và làm bạn
với tớ như trước. Dù gì tớ với cậu cũng đã từng là bạn thân. Tớ muốn tình
bạn thân đó mãi tiếp tục.
Hoằng bật phắt dậy, cô bức xúc vì câu nói vừa rồi:
- Tha thứ cho cậu ư? Bạn thân ư? Tớ lấy gì để tha thứ cho cậu đây.
Dựa vào đâu để tiếp tục làm bạn thân với cậu đây, trong khi cậu đã bỏ tớ,
vô tình với tớ, có mới nới cũ. Cậu nói thế mà nghe được à? Cậu không biết
là tớ đang nghĩ gì à? Cậu hèn lắm, chỉ nghĩ đến bản thân mình thôi.
Trong quán, nhiều ánh mắt đổ về phía họ. Khuôn mặt Hoằng đỏ bừng,
cô không muốn ngồi xuống nữa, cô đứng đó để làm cho ra nhẽ, cô vùng
vằng bỏ đi. Kiêu biết là lúc này, rất khó có thể làm Hoằng nguôi giận, cậu
đã không phải. Lẽ ra không nên để cô bức xúc về chuyện này, hay ít nhất,
thời gian vừa qua đừng tỏ ra xa cách cô. Chuyện đã xảy ra rồi, không làm
sao suy suyển. Đến lớp, Kiêu thường cố tỏ ra trong mắt của mình có sự hối
lỗi thực sự. Tâm trạng hối lỗi thực sự có cả trong tim cậu chứ không chỉ ở
ánh mắt. Thế mà cậu vẫn không được chú ý, hết cách rồi chăng?
Kiêu một mình tìm cách đi thăm mẹ. Thật không khó để tìm thấy bà.
Lúc cậu nhìn thấy, bà đang ngồi trên một ghế đá dưới gốc cây. Cậu tiến lại
gần gọi, bà Hát ngẩng lên, cười gượng, rồi nụ cười nhanh chóng tắt ngấm.
Hỏi mấy câu bà chỉ gật đầu. Tay bà đang giữ một con rùa bằng mấy đầu
ngón tay chụm lại. “Mẹ kiếm con rùa ở đâu thế?”. Bà không trả lời. Kiêu
lại nói: “Mẹ vứt nó đi nhá”. Đoạn, cậu đưa tay định gỡ con rùa khỏi tay bà.
Lập tức bà hét lên: “Không, không vứt”. Bà khư khư cầm chặt con rùa bằng
cả hai tay, sợ Kiêu lấy mất. Chi tiết này đồng nghĩa với việc bà đang biến
thành một đứa trẻ. Phải, những cử chỉ điệu bộ của bà không khác gì một
đứa trẻ. Bà ngồi đó, gần như vô hồn, không trọng lượng, không nghĩ ngợi
về những đau khổ hành hạ bà trước đây.