Điều đó gây ra rắc rối, hiểu lầm cho chị. Kiêu tức như bò đá, ấm ức dâng
lên cổ họng. Làng có tiếng xì xào “Con Lệ còn trẻ, đời nào lại lấy một gã
già khọm như thế” hay “Nó đợi chờ một người đàn ông giàu có khác”. Còn
nhiều lời khó lọt tai khác, Lệ bỏ qua tất cả như giũ bỏ nỗi buồn cố tình chất
lên thân phận mình.
Số tiền ít ỏi được trợ cấp sau khi chồng mất chỉ đủ Lệ sửa sang căn
nhà dột nát. Người làng Vân Tỵ nghĩ chồng chị làm công an chắc tích lũy
nhiều vàng lắm, chỉ là chưa xây nhà to. Ai hiểu cho hoàn cảnh của chị?
Vừa có ý thoát khỏi sự đeo đẳng của người đàn ông cao kều tên Sầu
làng Hạ, vừa muốn có thêm tiền trang trải cuộc sống, Lệ quyết định lên
Điện Biên làm ăn. Ở đó có nhiều người làng Vân Tỵ. Tháng trước về, chị
Nguyền bảo công việc nhiều, lúc nào lên cũng được, chỉ thiếu sức.
Chị đi vào một ngày quá ư bình thường, không phải kiêng cữ. Thời
tiết chẳng quá nắng. Chị gửi con cho mẹ: “Con muốn có chút vốn liếng đầu
tư cho cháu học”. Nói thế rồi đi. Nước mắt chị chảy dài, nước mắt mẹ chị
lặn vào trong, ê ẩm nỗi buồn chia ly.
Chị đi rồi không thấy tin tức gì về. Người làng ở Điện Biên nói không
thấy chị lên đó. Chị đi đâu, mẹ già và con thơ mong ngóng, lo lắng trong
chấp chới sớm chiều?
Có lời đồn chị đi với giai, không về nữa. Nhưng không ai dám khẳng
định.