bà muốn cậu tiếp thu và ghi nhớ dài lâu. Không còn cha, còn mẹ bên cạnh,
ắt hẳn người ta sẽ khinh, cần phải cứng rắn và biết cách sống.
Bạn là một người đầy đủ trong cái bình dị của một làng quê? Có cha
mẹ, ông bà, có tình thương và một nền giáo dục tàm tạm? Như thế đã đủ
đối với bạn? Chưa chắc. Nhưng một người biết an phận đối với nền tảng
gia đình và có chí khí vươn lên thì như thế tạm chấp nhận được. Còn có
những người hầu như mất hết, sau vẫn gượng dậy làm người tốt, hùng dũng
như thường.
Một đứa trẻ ôm trong mình mối nghi ngờ, buồn bã và sự thất vọng
bước đi trong đời, rồi nhận lại sự khinh miệt của chúng bạn đã trở nên lầm
lì. Sự xúc phạm nào cũng đáng nguyền rủa, cậu không cho phép bất cứ một
kẻ nào nói xấu mẹ, bôi nhọ hình ảnh bố. Trường hợp của Kiêu là như vậy.
Cậu sẵn sàng xông vào thằng ranh nào dám mang xấu xa cho mẹ mình, dù
là kẻ đó lớn hơn một cái đầu, thua cũng phải đánh. Từ đó những thằng yếu
hơn không dám hé răng, thằng khỏe hơn thì nhởn nhơ tạo sự căm phẫn,
thằng yếu hơn cũng lên tiếng khi đi cùng thằng khỏe, hoặc kéo bè năm, sáu
đồng thanh. Cũng có lần Kiêu mạo hiểm xông vào cả một lũ trẻ mà đấm túi
bụi. Cũng có thằng hộc máu mồm. Đôi tay cậu dần trở thành tay sắt, cứng
như thân tre. Cậu luôn tập luyện bằng cách đấm vào thân cây chuối trong
vườn cho đến nát, rồi đấm cả vào những thân tre đến tóe máu. Căm phẫn đã
bắt cậu phải làm vậy, cho cậu sức mạnh để bảo vệ phẩm giá cho mẹ mình,
cho mình, rằng mẹ không bao giờ bỏ đi...
Đáng đời nhất là thằng Của, con lão Thủm trưởng thôn, hênh hoang bị
Kiêu đấm vêu mồm, ấn đầu vào bãi cứt chó. “Này, cho mày ăn no đi, mất
trêu ông. Thằng đểu!”. Kiêu đay nghiến cho nó mệt nhừ. Cậu cũng mệt nhừ
sau hồi vần nhau với thằng đểu. Nếu là mấy hôm trước thì cậu chẳng dám
“xuất đầu lộ diện đâu”, chúng kéo bè đông lắm. Nhưng thằng này vừa bị lũ
trẻ con trong làng tẩy chay nên lủi thủi một mình. Đã vậy còn không biết
điều.