Những ký ức đó làm sao mà quên được. Với người khác nó có thể nhỏ
bé vụn vặt, nhưng với Kiêu, nó lớn lao biết bao nhiêu.
Cậu không bao giờ muốn bứt mình ra khỏi ký ức đó. Có ký ức, cậu
còn rõ nguồn gốc của mình. Mẹ dù bỏ cậu đi, nhưng cậu sẽ không hận mẹ,
không ân hận là con của mẹ. Cậu nghĩ, sẽ sống để đợi mẹ quay về.
Đêm, ngày rồi lại đêm, cậu qua cấp II để đến cấp III, thời gian không
làm nguôi nỗi nhớ mẹ mà nó dày thêm theo số lần đổi mùa, nhân lên cùng
với sự già nua của bà. Cậu rất tự hào về tài sát cá của mình. Bữa cơm của
hai bà cháu lẽ ra chỉ có rau cà tương đậu thì còn có cá kho. Bà thích món
này, cho nên Kiêu chẳng ngại vất vả, vác cần đi câu cá. Cậu thưa:
- Kiêu sẽ làm cho bà sống lâu nhờ ăn cá.
Bà phóm phém cười:
- Thằng quỷ, ăn cá làm sao sống lâu!
Kiêu nhe răng:
- Sống lâu chứ bà, ăn cá ngon hơn không ăn cá.
Kiêu giơ cánh tay chắc nịch ngang khuôn mặt có nước da bánh mật để
thể hiện quyết tâm cho lời hứa vừa rồi. Điều đó giống như một lời thề. Tuy
vậy, bà không muốn Kiêu bêu nắng. Bêu nắng dễ ốm, bà vẫn muốn cháu an
toàn. Cháu khỏe thích hơn ăn cá ngon.
Kiêu khoe với bà mình có cô bạn rất tuyệt. Cậu nói: đó là một đứa con
gái mạnh bạo bà ạ. Bà gật đầu: rủ nó đến nhà chơi nhá. Kiêu: vâng.
Quê là cô gái học cùng lớp với Kiêu. Cậu nhận ra chỉ có Quê là lương
thiện, là đồng minh của cậu. Cô gái này không đẹp, nhưng cậu thấy cô có
“duyên ngầm”. Cái duyên ẩn vào trong không dễ gì nhận ra. Thân nhau vào