Rất nhiều đêm trăng rót mật trước đây, sau khi bố mất, Kiêu cùng bà
ngồi nói chuyện vui ngoài sân thì mẹ bỏ ra góc vườn ngồi một mình. Cơn
gió nào đẩy mẹ ra đấy, Kiêu không biết, nhưng chắc bà ngoại biết vì bà
không nói gì, thi thoảng bà ái ngại nhìn con gái đang thắp lên khuôn mặt
một nỗi buồn mà chiều nào làm ngoài đồng cũng chăng mây u ám. Kiêu gọi
mẹ vào ngồi cùng. Mẹ bảo nóng quá, ra tìm hơi mát ở lá. Ngày được bốn
tuổi, mẹ cũng nói với Kiêu là lá biết hát. Khi đó mẹ còn hay hát, y như cô
gái tuổi cập kê yêu đời. Giờ khác quá. Kiêu ngây thơ hỏi: “Lá mà cũng hát
được à mẹ?” Mẹ bảo “Ừ, cứ áp tai vào lá, thể nào cũng nghe thấy”. Kiêu
làm theo, cho đến khi cậu mỏi nhừ cổ vì cứ phải điều chỉnh tư thế cái đầu
cho tai áp vào lá, vẫn chẳng nghe thấy tiếng nào. Cả những lúc chỉ có một
mình, cậu ra vườn, làm y như mẹ. Nhưng lá không trả lời cậu, ngay cả khi
cậu tức phát điên và hét lên. Lá vẫn câm bặt. Cậu cho là lá không biết hát.
Mẹ cứ khẳng định lá hát được. Lại nói phải là người yêu lá nữa. Điều
đó làm Kiêu nghĩ rằng mình chưa thực sự yêu lá. Cậu tự hứa sẽ yêu lá dần
dần, để lúc nào đó lá sẽ trả lời. Cậu còn nói: “Mẹ Lệ à, đừng lừa con nhá.
Lá có hát con nghe thật không?”. Mẹ cậu ừ, rất ngọt.
Người mẹ phì cười với câu nói của con “sẽ yêu lá hơn”. Lệ thấy con
mình ngây thơ quá. Cái điều chị bịa kia, hóa ra lại cho con một bài học, từ
bài học này có thể áp dụng được với nhiều bài học khác. Chị sẽ bồi đắp,
dạy cho con biết yêu những gì bình dị.
Sau này vì mải đấu tranh với lũ trẻ trong làng để bảo vệ mẹ, Kiêu
dường như quên mất trò chơi và lời hứa sẽ yêu lá cây để được nghe nó hát.
Khi nhớ ra thì cậu đã mười tuổi, cái tuổi đã chẳng còn thích nổi một chiếc
lá cây. Cậu đi vào việc đấm lên những thân chuối. Mẹ cậu vì nỗi đau, cũng
quên luôn bài học dạy con và phát triển thêm những bài giảng bổ ích. Thời
gian chị dành để kiếm sống và để xoa dịu nỗi đau trong lòng. Lệ đôi khi
thấy sự lạ lùng của con là đấm vào những thân chuối, chị hỏi tại sao?
Thằng bé hè hè cười như cái máy xay gạo bị tắc.