“Em không hờn dỗi. Em đang làm cái điều để tối đa hóa hạnh phúc của tất
cả mọi người xét về khía cạnh lâu dài.”
Tôi vò đầu bứt tai tìm lời đáp lại cái kiểu “xét từ góc độ tập thể” của cô.
“Còn em và anh thì sao?”
“Với riêng em mà nói, em không thể để bố mẹ mình cảm thấy kém cỏi
được.”
“Em có nhớ anh không?” tôi hỏi.
Cô yên lặng. Tôi kiểm tra điện thoại, tôi đã gọi bốn phút. Đồng nghiệp
của tôi nhìn tôi khó hiểu như thể tại sao tôi phải dùng điện thoại của ông ta.
“Ananya? Anh hỏi là, em có nhớ anh không?”
“Có ích gì chứ? Cứ cho là em tha thứ cho anh, thì có thay đổi được điều
gì nào? Mẹ anh có chịu thay đổi hay không? Định kiến của bà với em, với
người Nam Ấn, với đằng nhà gái, có thay đổi hay không?”
“Thực tâm thì bà là người tốt, Ananya. Hãy tin anh,” tôi nói.
“Ồ, vậy hả, thế sao anh không bảo mẹ anh xin lỗi bố mẹ em đi?” cô nói.
Giờ tới lượt tôi yên lặng.
“Thấy chưa?” cô nói.
“Giờ bà nhạy cảm với tất cả mọi thứ.”
“Không, bà khư khư cái lối nghĩ mình là người bên nhà trai.”
Tôi thở dài. “Ananya, còn kế hoạch bỏ trốn của chúng ta thì sao? Hãy bỏ
đi cùng anh,” tôi nói.
“Và đi đâu cơ? Đến với bà mẹ chồng đầy quan tâm, săn sóc của em sao?”
Ananya nói, “Không, em muốn gả vào nhà nào mà bố mẹ em được đối xử
công bằng.”
“Em nên sinh ra là con trai mới phải,” tôi nói.
“Đừng phân biệt giới tính như thế, đáng lẽ em đã gác máy nếu không còn
quan tâm đến anh.”
“Em có quan tâm đến anh hay không? Em không yêu anh sao? Chẳng
phải tình yêu của chúng ta hơn tất cả mọi thứ sao?”