Tôi cố ăn, nhưng không thể. Đã ba ngày nay tôi chưa ăn gì. Thấy bà
không để ý, tôi giấu cái bánh parantha vào túi đựng laptop của mình.
“Bác Shipra đã giới thiệu một cô gái khác. Họ có một ngôi nhà ở
Shalimar Bagh. Con có muốn gặp cô ấy không?” bà nói.
Tôi trừng trừng nhìn mẹ tôi.
“Gì thế?” bà hỏi.
“Con sẽ cưới cô ta. Không cần gặp. Được chứ?” tôi nói.
“Krish, đừng nói như thế. Mẹ đã ép buộc con khi nào?”
“Con gặp các cô gái đó để làm gì? Con sẽ tìm hiểu được gì sau một giờ
đây? Nước da của cô ấy à? Hình dáng - béo hay gầy? Có phải đá cẩm thạch
trong nhà cô ta là thật? Tất cả những chuyện đó chẳng có ý nghĩa gì khi ta
phải sống cả đời với một người, vậy nên tốt nhất là tiết kiệm thời gian. Bố
mẹ hai bên cứ gặp nhau đi. Người nào làm thỏa mãn cái tôi của mẹ nhiều
hơn thì mẹ ừ với người ta.”
“Chuyện gì đã xảy ra với con vậy? Cái công ty đa quốc gia này đang hút
máu con,” mẹ tôi nói.
“Mẹ xin lỗi bố mẹ Ananya được không?” tôi hỏi.
Mẹ tôi không đáp lại. Bà đứng dậy khỏi ghế xô pha và đi vào bếp.
Tôi bước theo bà. “Sao mẹ không thể làm điều đó?” tôi nói.
Bà không trả lời tôi. Bà thấm nước rửa bát vào miếng bọt biển và cọ rửa
xoong nồi. Bà nói với những thính giả tưởng tượng:
“Đầu tiên là một ông chồng vô dụng, giờ một đứa con vô dụng. Tôi cứ
tưởng rằng sau đám cưới của con trai mình tôi sẽ nhận được sự tôn trọng.
Tôi đã đồng ý cho nó lựa chọn cô gái đó, nhưng ít nhất hãy cư xử như đằng
nhà gái chứ. Giờ nó muốn tôi phủ phục dưới chân họ. Đứa con gái đó có gì
tuyệt vời đến thế? Bác Shipra đã nói đúng, tất cả mọi người đều ích kỷ.”
“Dừng lại đi, mẹ, con có bảo mẹ nằm phục xuống đất đâu? Mẹ có thể xin
lỗi họ qua điện thoại.”