bản tóm tắt hiện ra:
«Vào khoảng năm 1118, những người Công giáo lại một lần nữa chiếm
được Đất Thánh. Cuộc Thập tự chinh thứ nhất là một thành công vang dội.
Và mặc dù dân Hồi giáo đã bại trận, đất đai đã bị tịch thu, các thành phố bị
chiếm đóng, họ vẫn không chịu khuất phục. Thay vào đó, họ vẫn tồn tại
bên lề các vương quốc Công giáo mới được lập ra, tấn công vào tất cả
những ai liều lĩnh đi đến Đất Thánh.
Hành hương an toàn đến các khu vực thiêng là một trong những lý do
của cuộc Thập tự chinh, và tiền thu được từ những người hành hương là
nguồn thu nhập chính của vương quốc Công giáo Jerusalem vừa được
thành lập. Những người hành hương đổ đến Đất Thánh, một mình, theo
từng nhóm, từng đoàn, hoặc có khi là cả những cộng đồng. Thật không
may, những con đường dẫn đến và đi khỏi đó đều không an toàn. Người
Hồi giáo rình sẵn, những tên cướp hoành hành, ngay cả những người lính
Công giáo cũng trở thành một mối đe dọa vì với họ, cướp bóc đã trở thành
một điều gì đó bình thường.
Cho nên khi một hiệp sĩ ở Champagne, Hugh De Payens, lập ra một tổ
chức mới gồm ông ta và tám người khác, một dòng tu gồm các giáo hữu
chiến đấu quyết tâm bảo vệ an toàn cho những người hành hương, việc này
được hưởng ứng rộng rãi. Baldwin II, người đứng đầu Jerusalem, dành tặng
cho dòng tu ngôi đền Aqsa để làm chỗ trú, nơi này người Công giáo vẫn tin
ngày xưa là Đền thờ Solomon, cho nên dòng tu mới này lấy tên từ chính
nơi đặt đại bản doanh của mình: Các chiến binh nghèo của Christ và Đền
thờ Solomon ở Jerusalem.
Ban đầu chỉ có rất ít người. Mỗi hiệp sĩ thề chấp nhận nghèo khổ, đức
hạnh, và tuân thủ. Họ không có gì cho riêng mình. Tất cả những tài sản có
giá trị của họ đều trở thành tài sản của Dòng. Họ sống cùng nhau và im
lặng trong khi ăn. Họ cắt tóc, nhưng để râu mọc. Họ sống nhờ lòng từ thiện,
kể cả quần áo cũng đi xin, và thánh Augustine là hình mẫu của họ. Con dấu
của Dòng đặc biệt mang tính biểu tượng: Hai hiệp sĩ cưỡi trên một ngọn
núi - một nhắc nhở rõ ràng đến những ngày các hiệp sĩ còn chưa đủ tiền để
sắm riêng cho mình một con ngựa.