trong lịch sử xem có những anh hùng nông dân nào mà tên tuổi bị chìm
đắm bởi thời gian, hoặc rút lấy những sự kiện lịch sử mà mọi người đang
thèm khát nhắc lại. Họ sẽ đặt thành truyện như vè Chàng Lía, vè Bà Thiếu
phó[9], vè Vợ ba Cai Vàng, vè Thất thủ kinh đô, v.v... Cố nhiên, nhà nghệ sĩ
sẽ không quên đưa quan điểm và tưởng tượng của mình hòa vào chất liệu
lịch sử. Và ý kiến của tác giả truyện vè thì bao giờ cũng có chỗ khác với ý
kiến của các sử gia. Nó hợp với lô-gích tư tưởng của quần chúng hơn. Thế
là một truyện cổ tích lịch sử ra đời, được nhân dân thưởng thức và truyền
tụng có phần hứng thú hơn những cuốn sử ký cũng chép sự việc đó.
Tóm lại, truyền thuyết và cổ tích xuất hiện sau thần thoại. Lúc này con
người đã qua thời đại dã man, sống trong những xã hội có cấp bậc, đặc biệt
là xã hội nô lệ và phong kiến. Quan niệm về vũ trụ đã có phần khác với
thời kỳ nguyên thủy. Nói chung, con người đã nổi bật lên trước lịch sử và
bước vào nghệ thuật với tư cách vai chủ nhân của truyện. Mặt khác, nội
dung phản ánh của truyện cũng đã thay đổi để thích hợp với vai chủ nhân
ấy; từ ý nghĩa "tạo lập trời đất", đẻ đất đẻ nước nó chuyển sang mang nặng
ý nghĩa về cuộc đời. Tác giả truyền thuyết và cổ tích phần nhiều là nhà văn
nhân dân; họ sáng tác theo truyền thống và nhu cầu của nhân dân, nhưng
cũng mang ít nhiều ý thức tư tưởng của giai cấp thống trị.