thì tôi sẽ đi thưa, thưa cho đến tận tòa Tam pháp chứ chẳng chơi đâu.
Ngày hôm sau Như Mai ra về sau khi đã được toại nguyện. Đột nhiên sau
đó ba hôm, thân phụ chàng có chỉ của vua triệu về kinh làm chức học sĩ.
Chàng cũng bị buộc phải đi theo để được phụ thân rèn cặp. Nghe tin này,
Xuân Hương tưởng nghe tiếng sét. Nhưng Như Mai lại coi là dịp tốt. Chàng
hết sức an ủi nàng, cho nàng biết rằng chuyến này đi xa, chàng sẽ cố công
học tập thành tài, vì chốn kinh kỳ có nhiều sách hay thầy giỏi. Một khi
công thành danh toại, chàng mới có cách để xin chính thức cưới nàng. Khi
chia tay, chàng còn dặn:
- Dù có đá nát vàng phai, ta cũng chỉ biết có nàng. Đổi lại ta chỉ xin nàng
một lòng chờ đợi.
Ngày lại ngày nối nhau trôi qua. Tống Như Mai từ ngày theo thân phụ về
kinh đã được năm năm. Trong thời gian này, chàng ra sức dùi mài kinh sử.
Lòng càng nhớ Xuân Hương, chàng lại càng để tâm vào việc học tập. Quả
nhiên công phu của chàng không uổng. Khoa thi năm ấy, chàng đậu đầu, rồi
tiếp tục vào thi đình, đậu luôn trạng nguyên. Thấy chàng con trẻ tuổi mà
thông minh, nhà vua phong làm khâm sai đại thần, cho đi thanh tra các tỉnh.
Chàng vuii vẻ nhận chức. Trước hết, chàng xin phép về công cán tỉnh Bắc,
nhân thể thăm dò tình hình người yêu năm năm qua không một tin tức.
Lại nói chuyện Xuân Hương. Từ ngày chia tay Như Mai, lòng nặng buồn
rười rượi. Tin ở lời thề thốt của chàng, nàng quyết một lòng chờ đợi. Có
nhiều đám đến dạm hỏi, nàng đều từ chối. Để cho bọn con trai khỏi theo
đuổi, nàng bỏ vào tất cả những áo xống đẹp cùng hoa hột vòng xuyến mà
Như Mai cho mình rồi đem chôn cất. Nàng bỏ học, ăn mặc nâu sồng, ở nhà
giúp mẹ nuôi tằm trồng dâu. Tuy nhiên nàng vẫn không giấu được nhan sắc
nhạn sa cá lặn của mình. Một viên án mới bổ đến, nghe tiếng đồn về sắc