ngồi đá dốc, v.v... Và truyện cũng có một đoạn kết thúc bằng mâu thuẫn
giữa anh và em như truyện Ý Pơ-ja[20].
Đồng bào Mường có truyện Chàng trai săn:
Một chàng trai làm nghề đi săn cũng có một người bố vì săn bắt nhiều hươu
nai quá nên bị Phật bắt làm kiếp hươu để trả nợ. Một hôm nghe mẹ kể
chuyện, anh mang nắm cơm đi tìm bố. Đến chỗ có nhiều hươu nai, anh ném
nắm cơm vào nhưng chẳng có con nào rò tới, trừ một con, - "Bố đấy phải
không?", anh hỏi, -"Ừ", - "Bố về với mẹ đi!" - "Bố như thế này về sao
được. Con gắng nuôi mẹ già, nhưng đừng săn nai mà phải tội như bố", -
"Không có ruộng thì lấy gì mà làm ăn". Hươu cũng trao cho con cái sừng
của mình, bảo buộc dây mà kéo, đến chỗ nào mắc lại là có thể khai phá
thành ruộng được. Cũng có truyện lúa gặt trước đâm bông sau, cũng có
năm nàng tiên giúp anh gặt, gặt đến đâu bít ống lúa lại đó, cũng có chuyện
giấu cặp cánh giữ lại một nàng làm vợ, sinh được hai con trai. Khi anh
vâng lệnh vua đi đánh giặc, cũng như truyện của ta, anh dặn vợ: - "Có ăn
thì ăn chín cót lúa trằm, đừng ăn năm cót lúa nếp". Cũng có chuyện con
hay quấy khóc - "Tại sao lúc ở nhà với bố thì ít khóc, còn ở với mẹ lại hay
khóc thế?". Mẹ hỏi như vậy thì con đáp: - "Vì bố thường lấy cái lồ lồ vằn
vằn xanh xanh đo đỏ cho con chơi", - "Để ở đâu?", - "Ở cót lúa nếp". Được
cánh, mẹ cũng bay về trời, nhưng nghe tiếng con khóc lại bay trở lại, bỏ
hoa tai vào chậu nước, dỗ: - "Khi nào hoa nổi thì hãy nhìn theo mẹ nhé!".
Chồng dẹp giặc về thấy mất vợ, bỏ con ở nhà đi tìm. Lúc này có loạn rừng,
anh phải đi săn hổ cứu hươu nai (vì sợ nó bắt mất bố hươu). Diệt xong nạn
hổ, anh lại lang thang đi tìm. Trong khi đó, con ở nhà khóc suốt ngày đêm.
Trên trời, nghe tiếng con khóc, mẹ thương quá bèn xin với Phật, Phật động
lòng cho nàng xuống với con. Chàng trai đi mãi không tìm được cũng trở
về, thấy vợ con thì sung sướng quá. Hai vợ chồng cùng kể chuyện cho nhau
nghe rồi khóc, nước mắt của họ biến thành hồ rộng, vợ chồng con cái biến
thành hoa sen[21].