Nếu văn chương bao giờ cũng có mối liên hệ mật thiết với cuộc sống vật
chất, tinh thần của mỗi một thời kỳ lịch sử thì kho tàng" này sẽ là những
nguồn tài liệu quý báu giúp chúng ta hình dung một cách cụ thể con đường
riêng biệt mà cộng đồng người Việt đã tự vạch cho mình, trên quá trình vật
lộn gian nan để tồn tại và phát triền, giữa một thế giới có vô số tộc người,
với muôn nghìn số phận khác nhau, kể từ khởi thủy cho đến sát trước thế
kỷ XX. Vì thế, ngoài lĩnh vực phôn-clo (folklore) chúng còn góp phần vào
việc nghiên cứu nhiều bình diện của quá khứ dân tộc, nhất là về dân tộc học
và xã hội học lịch sử. Ngay trong lĩnh vực phôn-clo (folklore) thì đây cũng
là một nguồn tư liệu vô giá, có khả năng làm sống lại diện mạo tổng hợp
của một kiểu thức sinh hoạt văn hóa dân gian, trong đó nghệ thuật ứng tác,
trần thuật được đan chéo, hỗn hợp với các hình thức biểu hiện của tín
ngưỡng, tôn giáo, tâm lý, phong tục,... và chúng làm thành một hợp lực, chi
phối hứng thú thẩm mỹ, sức sáng tạo của tư duy, để rồi cùng với tiến trình
lâu dài của lịch sử dân tộc, sẽ hình thành nên bản sắc nghệ thuật truyện kể
của loại hình truyện cổ tích Việt-nam. Xác định cho được bản sắc này là
mục tiêu cao nhất của giới cổ tích học dân tộc trước nay.
Lẽ tự nhiên nói đến nghệ thuật truyện cổ tích là bàn tới một vấn đề không
đơn giản. Vì việc tiếp cận nghệ thuật một loại hình sáng tác nào bao giờ
cũng phải xuất phát từ ngôn bản, mà ngôn bản truyện cổ tích cũng như văn
học tự sự dân gian nói chung, do tính chất truyền miệng của chúng lại
không cố định như văn học thành văn. Có hai chiều hướng biến hóa cần
tính tới khi khảo sát nghệ thuật của thể loại này: