Nguyễn đổng Chi
Kho Tàng Truyện Cổ Tích
3.TÍNH CÁCH PHÊ PHÁN HIỆN THỰC
KHÁ ĐẬM TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM; NHÂN VẬT
TÍCH CỰC THƯỜNG TỎ RA KHÔNG BẰNG LÒNG VỚI TRẬT TỰ
TẬP TỤC CÓ SẴN, PHẢN ỨNG LẠI CÁI TI TIỆN TẦM THƯỜNG.
1. Như ở Phần thứ nhất đã sơ bộ giới thiệu, một số nhà cổ tích học từ anh
em Grim (Grimm), Muyn-le (M.Muller), v.v... thuộc trường phái thần thoại
ngữ văn học Ấn-Âu, trong khi xác định nguồn gốc truyện cổ tích, đã có xu
hướng coi đó là "tiếng dội cuối cùng" của thần thoại, là sự xây dựng lại
thần thoại dựa trên những quan niệm và hiểu biết mới, phù hợp với phương
thức sinh hoạt của con người trung cổ. Thực tế thì giữa hai loại hình có
những mối tương quan nhất định, có sự tiếp nối và kế thừa, nhưng mỗi loại
vẫn có những đặc trưng riêng và đảm nhiệm những chức năng khác nhau.
Trong giai đoạn lịch sử mới, loại hình truyện cổ tích ra đời thay thế cho
thần thoại không chỉ là thay đổi một kiểu thẩm mỹ đã không còn thích hợp,
mà đồng thời cũng lĩnh lấy một trọng trách mới mẻ và phức tạp: trọng trách
xã hội, mà trước đó thần thoại hầu như chưa biết đến. Với triển vọng to lớn
đó, trong nhiều thế kỷ của nhân loại, truyện cổ tích đã đạt được một bước
phát triển chưa từng thấy so với bất kỳ một loại hình văn xuôi tự sự dân
gian nào khác, vô luận về số lượng cũng như về khả năng phổ biến rộng rãi.
Chính vì thế, có nhiều nhà nghiên cứu phôn-clo (folklore) thế giới khi phân
loại thường đề nghị xếp cổ tích thành một loại riêng biệt và tất cả những
loại hình "văn xuôi phi cổ tích" góp thành một loại khác. Hiển nhiên nếu
chỉ làm công việc tái hiện lại thần thoại hay sử thi mà không có chức năng
độc lập, không mang ý nghĩa xã hội trực tiếp, truyện cổ tích sẽ khó có một
sự phát triển rực rỡ đến nhường ấy trong đời sống tinh thần của nhân loại.
Và mặc dầu không bao giờ được xếp ngang với tiểu thuyết của thời kỳ cận
hiện đại, trong cuộc đấu tranh để sinh tồn của con người vào một giai đoạn
tối tăm mù mịt, dai dẳng, truyện cổ tích quả là một trong những phương