Nguyễn đổng Chi
Kho Tàng Truyện Cổ Tích
NHÀ CỔ TÍCH HỌC NGUYỄN ĐỔNG CHI
VỚI BỘ KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT-NAM
Tiếp theo bộ Lược khảo về thần thoại Việt-nam[1], Kho tàng truyện cổ tích
Việt-nam là bộ sách thứ hai của Nguyễn Đổng Chi nghiên cứu về truyện cổ
dân gian. Mục đích của bộ sách này là giới thiệu và tìm hiểu truyện cổ tích
Việt-nam trong tư cách một sự tiếp cận hệ thống.
Công trình Kho tàng truyện cổ tích Việt-nam gồm 5 tập do Nhà xuất bản
Văn sử địa, Nhà xuất bản Sử học, Nhà xuất bản Khoa học xã hội in trong
những năm 1958 - 1982, nhiều tập, được tái bản nhiều lần với số lượng rất
lớn.[2] Và gần đây, năm 1993, lần đầu tiên bộ sách lại được in trọn bộ 5
tập, do Viện Văn học xuất bản. Sách in ra dù nhiều, nhưng bao nhiêu cũng
chưa đủ, vì từ lâu, niềm khao khát để có được bộ sách trọn vẹn, như một tài
sản tinh thần giữ lại cho con cháu, đã là điều mong ước phổ biến ở nhiều
người.
Chỉ có thể giải thích sự cuốn hút đáng mừng này chính là do bộ sách đã đáp
ứng được nhu cầu mê say đọc truyện cổ tích của ngượi đọc thông thường -
một thứ mê say được bồi đắp từ thuở lọt lòng - cũng như đã đáp ứng nhu
cầu tự thân về sự phát triển của công tác sưu tầm, nghiên cứu, và đổi mới
phương pháp nghiên cứu truyện cổ tích Việt-nam trong những năm gần đây.
Chính những điều đó càng góp phần khẳng định vị trí quan trọng của tác
giả Nguyễn Đổng Chi trên hành trình hiện đại hóa ngành folklore học dân
tộc.
Bằng cuộc đời văn nghiệp của mình, Nguyễn Đổng Chi đã được giới
nghiên cứu đánh giá cao ở những đóng góp tích cực cho nhiều bộ môn khoa
học xã hội. Riêng đối với khoa học văn học dân gian, thì có thể nói, cùng
với Lược khảo về thần thoại Việt-nam, sự thành công của Kho tàng truyện