cổ tích Việt-nam đã đưa ông lên hàng ngũ những người đứng đầu vinh dự
nhất.
I. KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT-NAM - BỘ SÁCH LỚN QUY
TỤ MỌI NGUỒN CỦA TRUYỆN CỔ TÍCH
Mặc dù Nguyễn Đổng Chi đã nói môt cách khiêm tốn về bộ sách của mình
là chỉ giới hạn trong phạm vi truyện cổ tích của dân tộc Việt, mà chưa có
điều kiện đề cập đến kho tàng truyện cổ tích vô cùng phong phú của đồng
bào các dân tộc thiểu số, song với cách sưu tầm biên soạn tỷ mỷ thâu lượm
hết các nguồn tư liệu cụ thể, đặc biệt có thêm phần khảo di, trên cơ sở 201
cốt truyện của người Kinh, ông quả đã xây dựng được một tác phẩm có bề
dày đáng kể, có kết cấu hệ thống, cuốn hút tâm trí người đọc rộng rãi cũng
như giới nghiên cứu khoa học xã hội hàng mấy thập kỷ nay.
Bộ sách là biểu hiện của một công phu lao động nghiêm túc, một sự trân
trọng đáng quý đối với di sản văn học dân gian mà cụ thể là thể loại truyện
cổ tích của dân tộc ta. Ở đây, bao nhiêu vốn liếng cổ tích do người Việt chắt
chiu, sáng tạo, gom góp từ nhiều đời, đã được dồn lại, được chọn lọc, sắp
xếp và trình bày dưới dạng tinh kết. Hơn thế nữa, giá trị nhiều mặt của loại
hình cổ tích cũng được nhìn nhận một cách khái quát, toàn cảnh và tổng
hợp.
Hơn ai hết, Nguyễn Đổng Chi nhận thức được rằng trong nguồn gốc sâu xa
của lịch sử văn hóa dân tọc, truyện cổ dân gian nói chung hay truyện cổ
tích nói riêng từ rất sớm đã là món ăn tinh thần quan trọng, gắn bó chặt chẽ
với người Việt trong cuộc sống hàng ngày. Trải qua 1. 000 năm Bắc thuộc,
cùng với nhiều truyền thống văn hóa dân tộc không hề bị dập tắt, các
truyện dân gian về Lạc Long Quân - Âu Cơ, về nguồn gốc dân tộc con Lạc
cháu Hồng sinh ra từ bọc trăm trứng, đến các truyện địa linh nhân kiệt
Thánh Gióng, Tản Viên, Tô Lịch, Bà Triệu, Bà Trưng... cũng vẫn trường