Ngoài cuốn Túp lều nát, cũng trong năm 1937, Nguyễn Đổng Chi còn cho
ra mắt bạn đọc cuốn Mọi Kon-tum viết chung với người anh ruột Nguyễn
Kinh Chi từ một vài năm trước. Đây là một công trình điều tra dân tộc học,
đánh dấu cái thiên hướng nghiên cứu khoa học của Nguyễn Đổng Chi.
Toàn bộ tài liệu trong tập sách đều được hai tác giả ghi chép trong những
ngày sống ở Kon-tum. Sách vừa là một cuốn địa lý học lịch sử, khảo sát đất
đai, cương vực, kinh tế, chính trị tỉnh Kon-tum qua các thời kỳ, vừa là một
chuyên khảo dân tộc học, tìm hiểu các tộc người cộng cư ở đây, nguồn gốc
chủng loại của họ, và phong tục tập quán, bao gồm "thân thể tâm tính, triết
lý tín ngưỡng, thiên văn địa lý, hương thôn giao tế, gia tộc cư xử, sinh tử
giá thú, sĩ nông công thương, du hý mỹ thuật" ... rất tỷ mỷ. Điều lạ là ngay
từ bấy giờ, quan điểm của các tác giả đã rất tiến bộ, chẳng hạn ở đầu sách,
họ đã giải thích rằng từ mọi vốn bắt nguồn từ từ tơmoi - có nghĩa là người
khách - quen dùng trong đồng bào thiểu số, chứ không có ý gì là khinh miệt
. Hoặc họ xác nhận dân tộc Ba-na (Bahnar) giàu tinh thần yêu nước, đã
dám nói với chính các tác giả rằng, từ khi có "người Pha-lang" (Pháp) đến
thì "con Mọi sướng mà cực", vì "bị làm đường, nộp thuế, mất cả sự tự do" .
Các tác giả còn nhấn mạnh: "Tục lệ của họ (người Mọi) chẳng những
không mọi rợ chút nào mà lại có nhiều điều còn thuần túy hơn ta" , và quả
thực, tinh thần chủ đạo nghiêm túc này đã làm cho cuốn sách vượt lên trên
các loại sách ghi chép "chuyện lạ đường rừng" vốn không hiếm gì vào thời
ấy. Điều đáng lạ nữa là tập sách còn dành một phần cuối để ghi những tục
ngữ, câu đố và truyền thuyết dân gian gắn với tín ngưỡng của đồng bào
Thượng, chứng tỏ ngay từ cuốn sách nghiên cứu đó, xu hướng nghiên cứu
văn hóa dân gian nguyên hợp đã sớm định hình trong Nguyễn Đổng Chi.
Cho mãi đến những năm gần đây, một nhà dân tộc học người Pháp, Công-
đô-ni-nax (Condominas) trong một dịp sang thăm Việt-nam, vẫn còn nhắc
đến cuốn sách trên với thái độ kính trọng.
Sau các cuốn Túp lều nát, Mọi Kon-tum, một phần cũng vì tránh mật thám
quấy rầy, Nguyễn Đổng Chi về ở hẳn nông thôn cặm cụi đọc sách.