đã sống, đã chiến đấu, đã dũng cảm hy sinh, trong những ngày một đi
không trở lại. Theo tôi nghĩ đó chính là một trong những yếu tố hấp dẫn
của Gặp lại một người bạn nhỏ, một thể loại tiểu thuyết mà giá trị lại là ở
chỗ, người đọc không được phép hồ nghi rằng đây là chuyện bịa.
Dĩ nhiên, không vì thế mà Nguyễn Đổng Chi bỏ qua việc khắc họa tính
cách, điều mà tiểu thuyết bao giờ cũng đòi hỏi. Tuy mới là phác họa, tính
cách các nhân vật đã hiện lên khá rõ, được ông theo dõi khá chu đáo, từ quá
trình hình thành nên cuộc đời, nghề nghiệp, sở trường, cốt tính của mỗi con
người, cho đến con đường riêng mà mỗi người đi đến với cách mạng. Đấy
là những Hân, Giáp, bác Phiêu, anh Lai, cô Môn, Linh rỗ, lão Hoa "anh
chị", và nhất là nhân vật "tôi" vừa là người dẫn truyện, lại vừa đóng vai trò
nhân vật tự truyện - một mạch quan trọng thứ hai của tác phẩm. Tất cả, mỗi
nhân vật là một lối sống, với ngôn ngữ, cá tính, không ai giống ai. Chúng
góp thêm vào cái khí hậu lịch sử rất thực của cuộc kháng chiến Thủ đô. Giá
thử ngày trước, sau cuộc họp góp ý của chúng tôi, Nguyễn Đổng Chi đã
không vững vàng mà đem gọt đi tất cả, rồi nhào nặn lại, rồi "hư cấu", tưởng
tượng nên một câu chuyện tình yêu gắn với lý tưởng, gắn với chiến đấu... gì
gì đấy, thì cuốn sách sẽ mất mát đi bao nhiêu là tài liệu sống và cái cốt
truyện "có truyện" đó sẽ nhạt biết chừng nào. Càng nghĩ lại càng thấy ông
quả là một nhà văn có bản lĩnh.
Nhưng thực ra, không phải Gặp lại một người bạn nhỏ là cuốn sách chững
chạc đầu tiên của Nguyễn Đổng Chi về văn nghệ. Từ những năm 1934 đến
1935, khi đang làm phóng viên cho các tờ báo Thanh Nghệ Tĩnh tuần báo,
Tiểu thuyết thứ hai, Bạn trẻ, ông đã có dịp thử thách năng khiếu sáng tác
của mình. Cuốn tiểu thuyết tâm lý xã hội Yêu đời (1935), gồm hai truyện
vừa của ông đã được giải thưởng của báo Tiểu thuyết thứ hai. Đặc biệt,
trong phong trào Mặt trận dân chủ, ông đã để lại được một tập văn xuất sắc.
Đó là tập phóng sự Túp lều nát gồm 13 chương phơi bày không chút
thương xót bộ mặt đểu cáng, quỷ quyệt, những thủ đoạn cướp bóc tinh vi
cũng như hèn hạ của bọn tổng lý, cường hào. Ông không chỉ khuôn câu