4. ĐẶC TRƯNG THỂ LOẠI CỦA CỔ TÍCH
Như vậy, đặc trưng của cổ tích biểu hiện ở những chỗ nào? Thực cũng khó
mà vạch một cách thật dứt khoát ranh giới của thể loại này; vì như ta đã
biết, tất cả mọi loại hình tự sự dân gian đều được sáng tạo nên bằng cảm
quan nghệ thuật của quần chúng, nên đều mang những kết cấu khá thống
nhất, có những mô-típ tương đối ổn định. Thêm vào đó, chúng lại được
sáng tác, chỉnh lý và truyền tụng bằng miệng nên cũng ảnh hưởng qua lại
với nhau một cách mật thiết. Tuy nhiên, tìm hiểu cho sâu, vẫn có thể phân
biệt được loại hình này với loại hình khác trên những nét căn bản. Theo
chúng tôi, có ba đặc điểm đáng chú ý hơn cả để nhìn nhận loại hình cổ tích:
Một là, tính chất cổ của sự việc. Truyện cổ tích được xác định trước tiên ở
phong cách cổ của nó. Gần như bất cứ cổ tích nào cũng không ra ngoài
những quy ước về màu sắc cổ của nhân vật và không khí cổcủa câu chuyện.
Không khí truyền kỳ hoang đường của một số truyện cổ tích, xét cho cùng
cũng xuất phát từ tính chất cổ. Giá thử ngày nay có người phỏng theo cổ
tích dựng lên một câu chuyện thậm chí rất hoang đường nhưng lại có
những nhân vật ăn mặc theo lối tân thời, đi ô-tô hay xe đạp chẳng hạn, thì
dù không hiểu đặc trưng cổ tích thế nào đi nữa, chắc cũng khó có ai ngờ
nghệch nhận đây là một truyện cổ tích được. Dù cho phạm vi hai khái niệm
"cổ" và "kim" trong cổ tích không khỏi có lúc lẫn lộn, nhưng mỗi nhân vật,
mỗi tình tiết mỗi hình ảnh của cổ tích đều nhất thiết phải là một nhân vật,
một tình tiết, một hình ảnh vốn có trong truyền thống nghệ thuật xa xưa của
văn học dân gian,được nhân dân coi là quen thuộc, đã thấm sâu vào tiềm
thức mọi người. Cũng giống như những miếng trò kiệt tác trong tuồng hay
chèo cổ luôn luôn được các đời sau sử dụng lắp đi lắp lại, những mô-típ
nghệ thuật đã trở thành tiêu biểu của văn học dân gian, nhất là nghệ thuật
vần vè hay truyện kể, cũng thường xuyên được tái sinh có chuyển dịch ít