Tiên, hay Ngọc Hoàng thượng đế, thì ở đây lại là...Đức Chúa Trời hay Đức
Mẹ Đồng trinh. Chỉ cần thế thôi, câu chuyện đã trở nên xa lạ, đã nhạt đi
mất nhiều ý vị của một cổ tích. Nhưng nếu đấy là một truyện ngụ ngôn hay
khôi hài thì lại khác. Vai Đức Chúa hay Đức Mẹ vẫn không ảnh hưởng gì
đến đặc trưng loại hình của chúng. Miễn câu chuyện có ngụ một ý tưởng
sâu sắc hay gợi được cười cợt cho người nghe, người đọc là đủ.
Chúng ta thấy cái tên Đức Chúa hay Đức Mẹ truyền vào Việt-nam từ thế kỷ
thứ XVI kể đến nay đã hơn bốn trăm năm mà vẫn chưa thể nào quen thuộc
với tâm lý dân tộc. Trái lại, cái tên Bụt, Tiên cũng là mượn của những thứ
tôn giáo ngoại lai nhưng đã thành truyền thống, vì từ đã rất xưa, những tôn
giáo này từng hóa thân vào đời sống dân tộc, chấp nhận những sự thanh lọc
gay gắt, trở thành tôn giáo chung chi phối cuộc sống tâm linh của cả cộng
đồng. Đặc điểm này cắt nghĩa tại sao khi một truyện cổ tích của dân tộc này
truyền vào một dân tộc khác, thì phải chuyển hóa thành một truyện mới,
hay ít nhất cũng phải mang những mô-típ mới, những màu sắc quen thuộc
hoặc gần như quen thuộc với điều kiện sinh hoạt, với tâm hồn của dân tộc
mới.
Cần phải nói thêm là truyện cổ tích thường giàu tính cộng đồng. Giá thử
trong truyện có in dấu cá tính của người sáng tác thì cá tính đó cũng phải
phù hợp hoặc không phương hại gì đến tính chất chung của tập thể. Có thế,
nó mới được tập thể thừa nhận và lưu truyền. Tính cộng đồng tuy không
đồng nhất nhưng có quan hệ khăng khít và là cơ sở của tính dân tộc. Tất
nhiên, trong cùng một giai đoạn lịch sử, giữa các dân tộc khác nhau, các tập
đoàn người khác nhau vẫn có những ước mơ, hy vọng giống nhau, cho nên
thế giới trong truyện cổ tích Đông Tây vẫn thường có những nét gần nhau.
Mặc dù thế, truyện cổ tích của mỗi dân tộc vẫn phản ánh xã hội, đất nước,
cuộc sống, phong tục, những vấn đề lịch sử cụ thể của dân tộc mình. Dân
tộc tính đối với cổ tích quả là một tiêu chuẩn khá quan trọng.