lại cùng một chủ đề, tức là dùng thông minh để biện bạch giúp những
người bị phân xử bất công. Sau đây là một vài truyện:
Truyện Mã-lai (Malaysia):
Một người mượn búa của người khác. Khi người này đòi, hắn nói búa đã bị
mối ăn mất. Vua sai hoẵng Pơ-lăng-đốc xử. Hoẵng dội nước ướt lông rồi
lăn lên trên tro. Vua hỏi: - "Sao lại bẩn thế?" - "Tôi đi tắm thấy biển nổi
lửa, tôi phải dập cho tắt nên lông đầy tro". - "làm sao lại có biển nổi lửa
được nhỉ?". Người kia nói theo: - "Tôi chưa từng thấy bao giờ". Hoẵng liền
đáp: - "Đúng thế. Cũng giống như búa sắt vậy, tôi chưa từng thấy mối ăn
bao giờ". Vua bắt người kia phải bồi.
Truyện Ấn-độ:
Một tên trộm bắt trộm một con ngựa đang buộc ở cây, người ta đưa nó ra
quan tòa chồn, hắn đổ cho cây ăn mất ngựa. Quan tòa nói: - "Đêm qua biển
nổi lửa ta phải ôm từng ôm rạ quẳng vào lửa để dập tắt, nay ta mệt không
xử được hãy để đến mai". Tên trộm nói: - "Làm sao ngài lại làm tắt lửa
bằng rạ được?" - "Thế thì làm sao lại có cây nuốt ngựa được".
Truyện Ấn-độ (vùng Păng-jáp (Pendjab)):
Một con ngựa con mới đẻ trong đêm. Sáng ra thấy nó đứng ở gần một cái
máy ép dầu, chủ máy này nhận là của mình. Vua xử cho hắn được. Chủ
ngựa cầu cứu với chồn. Chồn đến trước vua làm bộ ngã hai ba lần, ngất đi.
Vua hỏi lý do. Đáp: - "Đêm qua biển bốc lửa, tôi phải múc nước dội để dập
tắt nên mệt quá!" - "Mày nói gì lạ lùng vậy. Làm gì có biển bốc lửa". -
"Cũng vậy thôi! Làm gì có máy ép dầu đẻ ra ngựa" [19] .