thành cái quả kia; thì bấy giờ nghệ thuật thần thoại sẽ phai nhạt ý nghĩa và
không còn chức năng thực tế nữa.
Nhưng mặc dù thần thoại mất đi, sự sáng tạo truyện truyền miệng vẫn cứ
tiếp tục. Có dân tộc nào mà lại tắt được nguồn cảm hứng nghệ thuật của
mình trên con đường phấn đấu gian nan để sáng tạo ra một lịch sử phong
phú và một ngôn ngữ giàu có, sinh động? Đương nhiên con đường phấn
đấu đó bao giờ cũng đầy huyền thoại, huyền tích. Một nhà nghiên cứu thần
thoại có nhận xét: "Truyền thuyết đời cổ chúng ta gọi là thần thoại, thần
thoại đời sau chúng ta gọi là truyền thuyết"[1]. Nhận định này về một mặt
nào đó đã vạch được mối liên hệ hữu cơ giữa hai loại truyện ở hai thời kỳ.
Đúng là đối với bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, ước mơ và khát vọng của quần
chúng cũng vượt lên trên thực tại ước mơ và khát vọng ấy không những đã
chắp cánh cho họ trong sáng tác thần thoại mà còn trong sáng tác cổ tích và
truyền thuyết sau này. Mặt khác, đứng về phương diện thưởng thức thì bên
cạnh thơ, truyện là một nhu cầu tất yếu của nhân dân. Loại truyện ngụ
ngôn, truyện thời sự thường quá ngắn, thiếu những tình tiết ly kỳ, chưa kết
tinh hiện thực một cách đậm đặc, nên không thỏa mãn cảm hứng của nhân
dân bằng thần thoại hoặc cổ tích. Nhưng so với thần thoại, thì truyền thuyết
hay cổ tích cho phép người ta không những diễn tả dài hơi hơn, mà trình
bày được nhiều uẩn khúc hơn, với những nhân vật phức tạp hơn, gần cuộc
đời thực hơn. Nói cách khác, nội dung xã hội của mỗi thời kỳ chính là nhân
tố hàng đầu quy định sự khác nhau về phương thức tư duy nghệ thuật giữa
thần thoại và truyền thuyết và cổ tích. Ở thời đại của truyền thuyết và cổ
tích, quan hệ giữa người với người ngày càng phức tạp, đấu tranh xã hội
ngày càng gay gắt, thì, kết cấu nghệ thuật của truyền thuyết và cổ tích cũng
đòi hỏi phức tạp, nhiều kịch tính hơn nghệ thuật thần thoại.