chắn rằng phần nhiều những cổ tích về tiên là tàn dư của một thần thoại cổ
đã quên mất một nửa, đã hiểu sai và đã xây dựng lại"[3]. Nói chung, tâm lý,
tính tình của những nhân vật trong cổ tích đã trở nên phức tạp, không còn
mang dáng dấp thô sơ, man rợ mà kỳ thực là giản dị, chất phác của những
nhân vật thần thoại nữa. Họ văn minh hơn, đẹp đẽ hơn, thích hợp với
những quy chế và lễ nghi của cuộc sống dưới chế độ phong kiến hơn.
Nhưng một điều rõ ràng là cùng với những biểu hiện phức tạp trên đây, họ
cũng đã mất đi cái bản sắc cũ của họ, những đường nét đẹp đẽ khỏe khoắn
vốn có trong những nhân vật thần thoại. Có thể nói, so với thần thoại và
truyền thuyết, tính chất chung của truyện cổ tích là sự đa dạng của tâm lý,
tính cách, đặt trong sự phức tạp của những tình tiết. Vì tư tưởng, tình cảm
và nguyện vọng của con người gửi gắm vào đây đã lắm uẩn khúc, không
đơn giản như trước, và cuộc đấu tranh xã hội thì nhiều màu nhiều vẻ hơn
cuộc đấu tranh với thiên nhiên rất nhiều.