Đời Đường có quan Thị Lang Hình Bộ là Do Nhân Kiệt, không những
xử các vụ án hiểm hóc công minh tài giỏi như thần mà còn hay khôi hài đùa
cợt. Có lần quan đồng liêu cùng làm việc một công sở là Lư Hiến đã bị ông
đùa:
- Túc Hạ có cái tên ghép với chữ “mã” thành con lừa.
Lư Hiến trả lời:
- Tên ông, bên cạnh chữ “khuyển” ghép với chữ “hỏa” mới thành chữ
“do” là chó đã nướng cháy thui.
Lối dùng chiết tự để giễu nhau giữa hai ông quan đã phản ánh một hiện
tượng: xã hội rất quan tâm đến tên người.
Hiện tượng xã hội này có quan hệ trực tiếp đến các giấc mơ. Nhiều
người thời xưa đã đặt tên gọi từ những giấc mơ. Kinh Thi có viết:
- Người có uy tín trong xã hội nằm mơ thấy gấu đực gấu cái là điềm
lành, sinh con trai.
Kinh Thi giải thích: Gấu dù là đực hay cái đều ở trên núi nên sinh con
trai. Vì ở trên núi là “dương”.
Thời Xuân Thu, Tấn Công Tử khi mới sinh có vết đen ở mông. Mẹ ông
thường nằm mơ thấy thần vỗ vào chỗ mông đen của đứa bé mà nựng: “Sẽ
có nước Tấn”. Vì vậy bà đặt tên cho con là “Mông Đen”. Lẽ thường, cái
mông bị vết đen đáng lý phải giữ kín không nói ra, nhưng vì mơ thấy thần
báo “Mông Đen” sẽ làm vua nước Tấn nên mẹ Tấn Công phải theo lời thần
dặn.
Trong các sách sử Trung Hoa còn ghi khá nhiều câu chuyện về việc đặt
tên con theo điềm báo trong các giấc mơ.
Bà mẹ Nhạc Phi nằm mơ thấy chim đại bàng đậu ở trên nóc nhà, khi sinh
ra Nhạc Phi đã đặt tên tục là “Bằng Cử”, nghĩa là chim đại bàng cất cánh.
Nữ sĩ nổi tiếng thời cổ Trung Hoa là Diệu Nguyệt Hoa có cái tên huyền
diệu như thế là do bà mẹ nằm mơ thấy ánh trăng chiếu vào bụng ngày bà
mang thai.