thần thánh hóa giới tự nhiên, từ đó nảy sinh tư tưởng mê tín. Người xưa tin
là có thần linh và việc đoán giải các giấc mơ và bói toán là cách thể hiện sự
thông giao giữa người trần với thần linh.
Đoán giải các giấc mơ là một loại bói toán.
Ban đầu, việc làm này tự phát để thỏa mãn nhu cầu về tinh thần, đến khi
xã hội có giai cấp hình thành, giai cấp thống trị đã lợi dụng bói toán làm
phương tiện củng cố nền thống trị về mặt tinh thần, tư tưởng. Đối với giai
cấp thống trị phong kiến, bói toán cũng trở thành loại tín ngưỡng. Mỗi lần
làm đại sự, gặp việc gay cấn đều tìm đến bói để cầu may hoặc trấn an tinh
thần, dần dần bói toán trở thành thói quen, đặt lệ để triển khai hành sự.
Thời đại Vương Sung ở Trung Hoa, đạo Phật manh nha, được truyền đến
bằng nhiều con đường. Đạo giáo cũng khởi phát, đâu đâu cũng cúng lễ, xây
dựng am, miếu, đền, chùa.
Các loại tà thuật, bói toán thần bí và tư tưởng tôn giáo ảnh hưởng lẫn
nhau, tiếp thu của nhau, kết lại thành một khối, làm một trong những trụ cột
tư tưởng cho triều đình phong kiến.
Từ thời Đông Hán về sau, phương pháp phân tích nội dung, đoán giải
các giấc mơ ở Trung Hoa ngày càng thịnh vượng. Đoán giải các giấc mơ
tiếp sức cho việc xây dựng vương triều.
Truyện Cao Tổ bản kỷ trong Sử ký Tư Mã Thiên có ghi chép: Mẹ của
Hán Cao Tổ Lưu Bang dạo chơi bên hồ lớn nằm mơ thấy gặp được thần
linh, về nhà có thai sinh ra Lưu Bang. Theo truyền thuyết, hôm đó sấm
chớp ầm ầm, trời đen kịt, cha Lưu Bang trông thấy giao long trước mắt.
Như thế Lưu Bang là dòng giống của rồng.
Các vị hoàng đế vương triều Lưỡng Hán mỗi khi sinh con hoặc lên ngôi
hầu như đều nằm mơ thấy thần báo mộng.
Hậu Hán thư có ghi chép: Lưu Tú, hoàng đế Đông Hán (25-57) trước khi
lên ngôi có nói với Phùng Dị: “Ta nằm mơ thấy cưỡi rồng lên trời”. Nghe
Lưu Tú nói thế, Phùng Dị ra sức phò tá Lưu Tú lên ngôi kế vị.