Lấy được bông lúa ở giữa là được chức quan trung cấp. Còn về trắc tự thì
chữ “hòa” và chữ “thất” hợp với nhau thành chữ “trật”, đều tượng trưng
cho sự tốt lành, thăng quan có lộc, ngài sẽ được bổ dụng.
Ngược lại với những điều thần bí này, Vương Sung tỏ thái độ phê phán
gay gắt đối với việc đoán giải các giấc mơ. Tuy nhận thức của ông không
thể vượt qua những điều kiện lịch sử đương thời nhưng ông kiên trì thái độ
khách quan, thực tại.
Trước hết, trong cuốn Luận Hành, Vương Sung đã phê phán nội dung
thuyết “hồn hành” tuyên truyền cho những người đoán giải mộng đời Hán.
Thiên Kỷ Yếu viết: “Các nhà đoán giải các giấc mơ cho rằng người nằm
mơ là ‘hồn hành’ (hồn đang đi). Tinh thần của con người chuyển vận theo
người và vật, linh hồn là tinh thần của người. Khi ngủ, tinh thần rời khỏi
thể xác mà đi, hoặc gặp người nào đó, hoặc tiếp xúc với một vật nào đó.
Nếu linh hồn lên trời, có thể gặp Thượng đế, cho nên nói, ‘mơ thấy Thượng
đế là hồn lên trời’.” Tuy nhiên, khi ngủ, thể xác chưa động, tinh thần làm
thế nào mà rời khỏi thể xác để đi được? Các nhà đoán giải các giấc mơ cho
rằng:
“Tinh thần có từ cơ thể là biểu tượng của lành và dữ.
Tinh thần nói ở đây không phải là tinh thần của người nằm mơ mà là tinh
thần ở ngoài cơ thể người nằm mơ, tức là Thượng đế thần linh, hoặc hồn
của người khác. Do thần hồn của ngoại giới thông với thần hồn của người
đang ngủ nên mới có ‘hồn hành’, sinh ra giấc mơ.” Trong Luận Hành,
Vương Sung đứng trên lập trường của chủ nghĩa duy vật, cho rằng: Tinh
thần dựa vào hình thể và trên đời không có “tinh thần ngoài thể xác”, ông
ra sức phê phán, bác bỏ thuyết mộng và hồn này. Phương pháp phê phán
của ông:
- Một là dùng thực nghiệm.
- Hai là dùng sự phân tích logic.
Trong sách Bàn về cái chết, Vương Sung lấy nhiều giấc mơ của nhiều
người làm ví dụ.