- Em hiểu mà. Trước đây cũng có bài báo nói này nọ, người ta có ăn ít
một thời gian, xong rồi cũng đâu lại vào đấy, không sao đâu, dân mình
quên mau lắm chị. Họ chỉ cần món ăn nào ngon, rẻ lại tiện, hủ tiếu gõ
là nhất rồi.
Chị chủ gật gật đầu, đành vậy, rồi đứng dậy, chuẩn bị dọn hàng.
- Thôi về, chứ tình hình này thì có bán tiếp cũng không ai ăn.
Trên đường đi bộ về lại bốn bức tường tạm bợ của phòng trọ, Tú suy
nghĩ nhiều về câu chuyện mới nói cùng chị hủ tiếu.
Khu Tú trọ vào hạng không giàu, nếu không muốn nói nằm trong hạng
trung bình thấp của dân lao động chân tay, dân tha hương vào Sài Gòn
lập nghiệp. Nơi đó có sinh viên nghèo, có phụ hồ, mấy cô hàng rong
người miền Trung ngày ngày quẩy gánh đi dọc phố đông người. Cả ngày
làm lụng nhưng ăn uống cũng thắt lưng buộc bụng vì phải dành ra một
mớ gởi về quê nghèo đang trông tiền như nắng hạn chờ mưa rào. Ăn
uống kham khổ, họ không sợ, chỉ sợ người thân mình khổ. Có khi đi
làm về trễ, nhìn quanh quất chỉ còn xe hủ tiếu gõ tù mù ánh đèn, người
ta khó mà ngó lơ cơn đói.
Mấy xe hủ tiếu gõ, đa phần cũng đều là do dân phương xa đứng ra bán.
Bình thường đắt hàng dữ lắm, muốn ăn, có khi phải xếp hàng, chờ
người ta kêu tính tiền là lật đật chụp cái ghế nhựa thấp lè tè, cáu bẩn,
ngồi xuống gọi nhanh, “Cho em hai tô, một khô, một nước nha chị.”
Với Tú, ký ức Sài Gòn gắn với những xe hủ tiếu gõ như vậy, gắn luôn
với tiếng lốc cốc rao hàng của mấy đêm mưa lất phất, và gắn cả với mấy
miếng thịt cắt mỏng te hơn tờ giấy học trò.
Nói hủ tiếu gõ sạch sẽ, vệ sinh, Tú sẽ phản bác. Nó không phải những
món ăn bán trong nhà hàng sang trọng, mắc tiền, được kiểm dịch vệ
sinh mấy chục lần một năm. Tô hủ tiếu mười ngàn, giờ cao điểm bán
phải chừng mấy chục tô một lúc, đôi khi cái tô nhúng qua nước coi như