bức bối trong lòng cho gió tạt đi mất. Nhưng rồi Ân không làm được.
Đi, mà đi với ai bây giờ? Ân không có nhiều bạn ở đất Sài Gòn. Đám
đồng nghiệp trong công ty, người có gia đình, kẻ có niềm vui riêng,
phần còn lại lúc nào cũng giữ một khoảng cách an toàn vừa đủ với
“người nhà cổ đông”. Có lần vô tình, Ân nghe hai bà chị trong WC nói
về mình, “Thấy vậy chứ coi chừng nó giả ngu, canh tiền cho gia đình
nó.” Khi họ bước ra, Ân vẫn phải nhìn họ, mỉm cười rồi vội vã chạy vào
một phòng trống, ngồi xuống tay chân run lẩy bẩy. “Mày có làm gì sai
đâu?” Ân tự nhủ, nhưng cảm giác sợ hãi những con người vừa cười nói
với mình xong, quay lưng lại đã có thể gièm pha, khinh khi mình thì
khó lòng mà gạt bỏ. Từ đấy, Ân lại càng im lặng, lầm lũi một mình,
không nói chuyện với họ nhiều như trước. Nên những đêm dài như vậy,
Ân cũng chỉ biết quanh quẩn trong căn phòng trọ đầy đủ tiện nghi
nhưng thiếu niềm vui.
Ân nhìn lại gương mặt trong gương, mọi thứ đều đẹp, đẹp như mọi ngày
vẫn đẹp. Ân lấy giỏ xách, mở tủ giày, chọn một đôi nhàm chán, đẩy vào
chân rồi mở cửa phòng, khóa lại và đi xuống nhà dưới. Nhà trọ Ân
mướn có hai lầu, ngoài tầng trệt ra thì mỗi lầu xây hai phòng đối diện
nhau với đầy đủ tiện nghi cơ bản. Chủ nhà là bà giáo góa bụa, ngoài
năm mươi, khó tính trong chừng mực nhưng vẫn hiện đại đủ để hỏi Ân,
“Cái máy tính bảng nghe nói đọc báo ngon lắm hả con?”, để đâu chừng
ba ngày sau khi lấy tiền trọ, bà giáo mua một cái về, tự coi như quà
mừng sinh nhật. Ân thương bà, coi bà như người thân trong nhà, có bữa
đi làm về cũng mua bịch chè, cái bánh, dù bà giáo hay cằn nhằn, “Mập
lắm nha con”, nhưng rồi cũng ăn ngon lành.
Ân xuống nhà thấy bà giáo đang lui cui cầm chổi quét nhà.
- Hôm nay không dạy sáng hả cô?
- Tuần này dạy buổi chiều không, mà cũng có hai, ba ngày, già rồi,
nhường tiết cho đám giáo viên trẻ con ơi.