khác biệt, một nơi chốn khác biệt, một cảm giác không thể nào xóa đi được
về quá khứ. Lần đầu tiên nhìn vào tấm ảnh, tôi nhận ra nó đã bị rách toạc ra
ở đoạn giữa và được dán lại một cách vụng về, khiến một trong số mấy cái
cây ở đằng sau như lơ lửng trong không khí. Tôi cho rằng tấm ảnh đã bị vô
tình xé rách và chẳng buồn nghĩ gì về nó nữa. Tuy nhiên, lần thứ hai nhìn
nó, tôi nghiên cứu chỗ rách ấy kỹ hơn và nhận ra những điều tôi đã mờ mắt
mà bỏ qua trong lần trước. Tôi thấy đầu ngón tay của một người đàn ông
bám lấy thân hình của một người bác; tôi thấy, rất rõ ràng, rằng một người
bác khác không đặt tay lên lưng em trai mình, như thoạt đầu tôi đã lầm
tưởng, mà lên một chiếc ghế đã không còn ở đó. Và rồi tôi nhận ra điểm lạ
lùng trong tấm ảnh: ông nội tôi đã bị xé ra khỏi nó. Tấm ảnh trở nên kỳ dị vì
một phần của nó đã bị loại bỏ. Ông tôi đã ngồi trong một chiếc ghế cạnh vợ
với một đứa con trai đứng giữa hai đầu gối – và ông không còn ở đó. Chỉ có
đầu ngón tay ông còn lại: như thể ông đang cố bò trở lại vào tấm ảnh từ một
cái hố sâu của thời gian, như thể ông đã bị hút vào một chiều không gian
khác.
Tất cả những điều ấy khiến tôi run rẩy.
* * *
Tôi biết được về cái chết của ông nội vào một dịp gần đây. Nếu không
phải vì một sự tình cờ đáng kinh ngạc, chuyện ấy có lẽ sẽ chẳng bao giờ
được biết đến.
Năm 1970, một người chị họ của tôi tới châu Âu nghỉ mát với chồng.
Trên máy bay, chị ngồi cạnh một ông cụ và, như lẽ thường người ta vẫn làm,
họ bắt chuyện để giết thời gian. Hóa ra là ông cụ đã sống ở Kenosha,
Wisconsin. Chị họ tôi thấy sự tình cờ ấy thật thú vị và kể rằng cha chị đã
từng sống ở đó thời bé. Vì hiếu kỳ, ông cụ hỏi họ của gia đình là gì. Khi chị
đáp là Auster, cụ ông trở nên tái mét. Auster? Bà nội chị không phải là mụ
đàn bà tóc đỏ bé nhỏ điên khùng đấy chứ? Phải, đó là bà tôi, chị họ tôi trả
lời. Một bà tóc đỏ bé nhỏ điên khùng.