này tôi bắt cóc nè, bớ bà con ai rảnh rỗi bắt tôi giao cảnh sát giùm ”, sự thật
là không ai tìm tôi cả, họ chỉ tìm thằng nhỏ tên Phiên, nó mới là điều họ
cảm thấy mất mát, không phải tôi.
Nên tôi giữ rịt Phiên ở chỗ đìu hiu này. Nên tôi không ngạc nhiên khi
thấy nước mắt cha tôi ràn rụa trên mảnh báo. Phóng viên kể lại câu nói duy
nhất của ông, “ tôi chỉ cần thằng nhỏ, tôi sẽ đổi bằng tất cả gia tài của tôi,
mạng sống của tôi…”. Rủi là lúc đó tôi ẵm thằng Phiên trốn chui trốn nhủi,
tờ báo không đến tay, phải đọc được biết đâu tôi đã đưa nó về và nói, thưa
ông, tôi chỉ cần một lời xin lỗi.
Mảnh báo trong túi áo cựa quậy nhói ran, chừng ngó lại thì gạo ngâm
lâu trong nước rã nát.
Ngoài sông, những chiếc xà lan vẫn chà đi xát lại làm xây xước mặt
nước, vẫn kêu rú khoái trá, tục tằn man rợ khi sục những cái vòi vào thân
thể sông, hút mòn xương máu nó, phơi tan hoang lòng nó. Làm xói lở bờ
bến cuối cùng, lấy đi của tôi những thương yêu cuối cùng. Tôi không thể để
tôi cũng mất. Tôi đặt mảnh báo cũ trước mặt Phiên, và kể cho nó nghe một
câu chuyện. Tôi không muốn bất cứ ai kể và nó chạy về mếu máo hỏi, thiệt
không mẹ, thiệt không?
-Người này là cha tụi mình — Tôi chỉ vào tấm ảnh lem luốc. Phản ứng
duy nhất của Phiên là câm lặng. Khoảnh khắc đó tôi nhận ra em trai tôi
cũng khiếm khuyết, tật nguyền. Phiên gần như không biết biểu lộ sự giận
dữ, bàng hoàng, đau đớn… dù trong nó có tất cả cảm giác đó, bị chúng
quăng quật trong lòng. Tôi không dạy nó cách đương đầu với những sự thật
phũ phàng, thậm chí nó còn không biết cuộc đời này có thể tồn tại điều gì,
ai đó xấu xa giống như tôi.
Thằng Phiên bỏ đi tìm ai đó có thể giúp nó biết giận dữ, phẫn uất như
một con người đúng nghĩa. Ngoài kia vẳng lại tiếng khạc nhổ, tiếng nói
cười ánh ỏi, tôi biết Phiên sẽ tìm được người, một người rất sẵn lòng nói