trở về.” Ta đã từng nghe rằng trên đại dương, không hiếm phi công lạc mất
vị trí và không thể trở về.
Ta nhìn đồng hồ, đã hơn 11 giờ, đoán chừng sắp đến nơi rồi. Thoát
khỏi đám mây xa xa phía trước là có thể nhìn thấy đảo Guadalcanal. Khi
liếc nhìn mặt biển Guadalcanal, ta không khỏi kinh hãi. Phía dưới là vô số
tàu thuyền neo đậu quanh cảng. Ta sửng sốt, chẳng lẽ để cướp một hòn đảo
nhỏ bé thế này mà phải dùng đến lượng tàu lớn đến thế ư? Với số lượng
quân địch ở đó thì 23 chiếc Chuko có thể làm được gì đây?
Tâm trạng ta u ám nhưng nếu đã tấn công thì phải tấn công cho ra trò.
Ta lấy lại tinh thần, phấn chấn trở lại. Ngày hôm đó, ta nằm trong đội yểm
trợ Chuko. Máy bay hộ tống có hai nhóm, một là đội khống chế không
phận, hai là đội yểm trợ. Đội khống chế có nhiệm vụ khống chế không
phận trên bầu trời địch, đội yểm trợ phải theo sát, bảo vệ Chuko khỏi chiến
cơ địch.
Ta đã thấy chiến đấu cơ của địch phía trước. Đội khống chế không
phận xuất kích trước đang chiến đấu với chúng. Họ nỗ lực chiến đấu không
cho máy bay địch tiếp cận Chuko. Thế nhưng, chúng vẫn lọt qua được.
Chiếc đầu tiên ta thấy là Grumman. Sau chiến tranh ta mới biết, đội chiến
cơ của Mỹ lúc đó gồm những chiếc máy bay chiến đấu trên 3 mẫu hạm
Saratoga, Enterprise và Hornet. Vì trận Guadalcanal, quân Mỹ đã dồn hết
toàn bộ mẫu hạm đến đây.
Máy bay địch từ trên không tấn công xuống, sử dụng chiến thuật Bắn
và chạy, tức là kiểu tấn công đơn thuần từ phía trên đâm xuống, bắn xả, sau
đó cứ thế trốn xuống phía dưới.
Reisen không phải là mục tiêu của địch. Chúng chỉ tập trung tấn công
Chuko. Nhiệm vụ chính của chúng ta là yểm trợ Chuko nên ta tập trung vào
xua đuổi máy bay chiến đấu của địch hơn là không chiến. Hơn nữa, sứ
mệnh của đội yểm trợ là dù hy sinh bản thân cũng phải bảo vệ Chuko.
Đội khống chế không phận cũng cần nhiên liệu để trở về được nên
không thể đuổi sát. Địch trốn xuống dưới lại quay đầu bay lên tiếp tục tấn
công.