không còn chủ nhân. Những thứ đó được gom lại và gửi về cho gia đình ở
đất liền. Trong số đó có cả những bức di thư. Trong phi đội có người viết di
thư, nhưng cũng có người không viết. Ta cũng từng nghĩ đến lúc bất trắc và
viết di thư, nhưng không ít người có cảm giác rằng viết di thư nghĩa là
mình sắp chết trận nên đã không viết.
Nỗi đau buồn vì mất đồng đội không cảm nhận được ngay khi trận
chiến kết thúc mà là vào bữa cơm tối. Những đồng đội mới cùng ăn bữa
sáng với chúng ta, buổi tối đà không còn xuất hiện nữa. Cơm tối luôn được
chuẩn bị phần cho tất cả phi đội. Nhà ăn không quy định ai ngồi ở đâu
nhưng do thói quen mỗi người đều luôn ngồi những chỗ cố định. Trong
cuộc họp ở công ty cũng định những vị trí ngồi giống như vậy phải không?
Nếu một chiếc ghế trống trong giờ cơm tối, nghĩa là người ngồi ở đó
đã hy sinh. Nếu đó là anh chàng vẫn thường ngồi cạnh ta thì càng không
thể chịu đựng nổi. Những người lính lái máy bay thì khi chết thi thể cũng
chẳng còn. Sau những trận chiến ác liệt, có khi trống rất nhiều chỗ. Chính
vì thế, tại bữa cơm tối, chúng ta tuyệt nhiên không thể cười đùa nổi.
Tại bữa ăn sáng vào một ngày tháng Chín, Nhị đẳng phi tào
Higashino, đàn anh của ta cũng từng ở phi đội Yatabe, đã nói to rằng. “Ta
muốn ăn bánh Đại phúc
, dù chỉ một lần thôi cũng được.”
Nghe anh ấy nói thế, ta cũng ứa nước miếng. Từ khi đến Rabaul, bọn
ta chưa từng được ăn những thứ như vậy.
“Chúng ta chiến đấu cật lực, cũng nên được ăn bánh Đại phúc hoặc
thứ gì đó đại loại như thế chứ nhỉ.”
Nghe Higashino nói đùa, mọi người cùng cười vang.
Tối hôm đó, trên bàn ăn bày bánh Đại phúc. Các nhân viên nhà bếp đã
nghe được những lời đó nên cố gắng chuẩn bị bánh Đại phúc cho chúng ta.
Nhưng bữa tối hôm đó đã trống chỗ Higashino. Không ai động tay vào
chiếc bánh Đại phúc nào.
Chẳng bao lâu, cảnh đó trở thành chuyện hằng ngày.