gia nhập Hải quân, làm lính vũ trang, sau đó tham gia huấn luyện trở thành
phi công, rồi tham gia chiến tranh Trung-Nhật năm 1937. Năm 1941, chiến
đấu trên hàng không mẫu hạm, tham gia oanh kích trận Trân Châu Cảng.
Sau đó, ông chuyển xuống chiến đấu tại quần đảo phía Nam. Năm 1945,
quay về chiến đấu ở đất liền. Trước khi chiến tranh kết thúc vài ngày, ông
hy sinh trong lần tấn công cảm tử Kamikaze.
Từ năm 15 đến năm 26 tuổi, ông đã cống hiến cho quân đội khoảng
thời gian mười một năm đẹp nhất đời người. Trong tám năm cuối, ông
chiến đấu với vai trò là một phi công. Rồi bị cái chết đuổi kịp trong một
cuộc oanh kích cảm tử.
Thật không may, nếu chiến tranh kết thúc sớm vài ngày thôi, thì chắc
ông vẫn còn sống.
Về cuộc sống riêng thì năm 1941, ông kết hôn với ngoại rồi sinh mẹ
tôi năm 1942. Cuộc sống hôn nhân ấy chỉ kéo dài vỏn vẹn 4 năm. Hầu như
suốt thời gian đó ông đều ở chiến trường. Dù được trở về đất liền thì thời
gian thực sự sống với nhau không biết được bao nhiêu. Bà không kể
chuyện về chồng trước của mình, có lẽ không phải vì muốn giấu giếm mà
thực sự không có gì đáng kể.
Hồ sơ quân dịch chẳng tiết lộ gì thêm về con người ông. Muốn biết,
buộc phải tiếp xúc với những người đồng đội của ông. Nhưng nếu còn sống
thì giờ ông ngoại cũng đã 85 tuổi, những đồng đội năm xưa ấy chắc gì đã
còn trên cõi đời này.
Đầu tôi văng vẳng những lời chị Keiko nói, có phải đã quá trễ rồi
không. Nhưng nhìn ở khía cạnh khác, có lẽ bây giờ là thời điểm cuối cùng
còn kịp để điều tra.
Tôi biết thông tin về tổ chức Thủy Giao Hội, chuyên tập hợp những
cựu binh hải quân từ Bộ Y tế - Phúc lợi. Tôi hỏi thăm và được chỉ cho vài
hội cựu chiến binh.
Có hội từng là hội lính hải quân cùng thời, cũng có hội tập trung quân
nhân từ không quân và hàng không mẫu hạm. Thành Viên của hội ngày
càng cao tuổi nên vài năm gần đây nhiều hội đã giải tán.Những người đã đi
qua chiến tranh đang dần biến mất khỏi vũ đài lịch sử.