Thật lòng mà nói, tôi từng nghĩ chị không thích hợp với nghề phóng
viên. Tính khí mạnh mẽ nhưng thường không tiết chế được cảm xúc sẽ
khiến chị không thể đặt những câu hỏi sâu hay rất dễ gây khó chịu với đối
tượng phỏng vấn. Chuyện đó không cần tôi nói, ngay bản thân chị cũng tự
nhận ra. Vì lẽ đó, chắc hẳn Keiko muốn nhờ dự án lần này để lột xác.
“Mà chuyện ông Miyabe hy sinh cảm tử có thật không chị?”
“Bà ngoại nói vậy đó.”
Chị dùng dĩa cuốn mì pasta, rồi nói khơi khơi. “Họ nhà mình cũng có
người tuyệt thế chứ!”
Tôi dửng dưng đáp lời. “Ừ!”
“Nhưng hình như đội quân cảm tử bị xem là khủng bố đó.”
“Khủng bố?”
“Một đồng nghiệp của chị nói, nếu có Kamikaze vào thời đại này thì
họ sẽ là những tay khủng bố đáng gờm đấy. Chuyện họ làm cũng giống như
việc đâm vào tòa tháp đôi ở New York
vậy đó.”
“Em nghĩ Kamikaze không thể nào là khủng bố đâu.”
“Vì thời đại và bối cảnh khác nhau nên cách nhìn nhận cũng khác,
nhưng điểm chung là đều một lòng yêu nước điên cuồng.”
Đó quả là một lập luận táo bạo, nhưng lời nói ấy của chị rất có sức
thuyết phục.
Người nói với chị những chuyện này rất giỏi, trước đây từng là phóng
viên chính trị. Trong một lần đi ăn, chị có kể ông ngoại là cảm tử quân,
người đó liền cho mượn một quyển sách tập hợp di thư của các cảm tử
quân. Trong đó kín đặc những từ “trung hiếu”, “báo quốc”. Đáng ngạc
nhiên là những cảm tử quân không hề sợ cái chết, có những câu làm chị
cảm thấy niềm vui của họ khi được chết trong vinh quang. Khi đọc những
dòng đó, chị mới biết thì ra Nhật Bản từng có thời nhiều người yêu nước
đến vậy.”
“Vậy ư? Nhưng ông Miyabe không thể là một tên khủng bố. Không
thể thế được!”