“Cháu của những tên khủng bố Hồi giáo sáu mươi năm sau chắc cũng
nói thế đấy.”
Chị vừa cho mì vào đầy miệng vừa nói, sau đó tu nước ừng ực. Con
gái gì mà chẳng có chút ý tứ nào! Dù chị tôi trông rất ưa nhìn, nhưng chẳng
bao giờ chịu chăm chút vẻ ngoài hay để ý tới hành vi cử chỉ.
“Ông có để lại di thư không?”
“Hình như không.”
“Vậy là chẳng có chút dấu vết nào về cuộc đời của ông cả.”
“Thế nên chúng ta mới tìm hiểu.”
“Vậy cụ thể em sẽ phải làm gì nào?”
“Chị muốn em tìm ra những đồng đội xưa quen biết ông. Bây giờ chị
đang bận tối mắt tối mũi nên nhờ em vụ điều tra này nhé. Chị sẽ thanh toán
trước cho em một khoản.”
Chị nói liến thoắng và mở túi xách, lấy ra một chiếc phong bì đưa cho
tôi.
“Dù sao em cũng rảnh mà đúng không? Em có thể điều tra qua điện
thoại hoặc fax hoặc bất cứ cách nào em muốn. Tìm được họ rồi thì việc đi
gặp và phỏng vấn chị sẽ lo.”
Tôi chán nản cầm lấy phong bì chị đưa.
“Vậy nếu ông Miyabe còn sống thì năm nay bao nhiêu tuổi?”
Chị lấy cuốn sổ tay từ trong túi ra, lật lật giở giở.
“Ông sinh năm 1919, nếu còn sống thì năm nay đã 85 tuổi.”
“Gặp được đồng đội của ông e rằng không dễ. Bọn họ tham gia từ thời
khai chiến, bao nhiêu năm đã trôi qua, giờ chắc qua đời hết cả rồi.”
“Ừ... có phải đã quá trễ rồi không?”
Dù đã nhận lời nhưng đến hơn một tuần sau, khi chị gọi điện hối thúc,
tôi mới bắt tay vào việc. Tiền nhận rồi, không làm cũng không được.
Tôi hỏi được hồ sơ quân dịch của ông từ Bộ Y tế - Phúc lợi.
“Miyabe Kyuzo, sinh năm 1919 tại Tokyo. Năm 1934 gia nhập Hải
quân. Năm 1945 tử trận ngoài khơi quần đảo Nansei.”
Cuộc đời ông ngoại nếu tóm gọn trong một dòng chỉ có như vậy.
Đương nhiên, nếu muốn chi tiết thì bao nhiêu cũng viết được. Ban đầu ông