Trong những hội cựu chiến binh mà người ta chỉ cho tôi, có bao nhiêu
người biết ông ngoại? Dù có thì liệu họ còn nhớ được bao nhiêu về câu
chuyện sáu mươi năm trước? Sáu mươi năm sau, nếu được hỏi về những
người bạn bây giờ của mình, thì tôi có thể lật lại ký ức của mình đến đâu?
Dù vậy cũng không thể bỏ cuộc, tôi lần lượt viết thư cho từng hội cựu
chiến binh, để xem liệu có ai biết về ông ngoại hay không.
Hai tuần sau, có thư hồi âm từ một hội nọ, báo có người cùng phi đội
với ông tôi ở Rabaul. Người viết thư là cán bộ của hội cựu chiến binh, chữ
viết rất bay bướm. Tôi căng mắt vẫn không thể nào đọc được, đành đem
bức thư đến gặp chị Keiko. Chị đang bận túi bụi, mãi tôi mới hẹn gặp được
ở một quán ăn gia đình. Tốt nghiệp khoa Văn như chị mà dường như cũng
rất khó đọc được nét chữ “bay bướm” kia.
“Sáu mươi năm đổi mới rồi, chữ viết có vẻ cũng trở nên khó đọc hơn
nhỉ.”
Tôi trông chị nhìn chằm chằm vào bức thư, nghĩ mình đúng là lươn
ngắn chê trạch dài.
“Chúng ta chỉ biết chữ giản thể, hoàn toàn chưa học qua loại chữ này.
Trong đó có cả chữ giống và không giống với chữ gốc. Ví dụ như chữ này.”
Chị chỉ vào một chữ trong bức thư. “Em đọc được chữ này không?”
Tôi hoàn toàn không đọc được.
“Chị tình cờ biết nên đọc được. Là Hạm đội Liên hợp
đấy.”
“Chữ này là chữ Liên đó hả? Chẳng giống gì cả. Có thêm bộ Nhĩ, cấu
tạo chữ cũng khác.”
Chị tôi cười nói. “Hơn nữa, thư này viết theo lối chữ thảo
, đọc rất
khó đó.”
“Em có cảm giác như người viết thuộc chủng tộc hoàn toàn khác vậy.”
Tôi thở dài.
“Cũng là con người thôi. Em nghĩ ông ngoại là người chủng tộc khác
sao? Đây là ông ngoại của những người khác hiện đang còn sống đấy.”