công, ý tưởng đó quân Nhật hoàn toàn không có. Quân Nhật chỉ suy nghĩ
chế tạo các loại vũ khí tấn công địch. Chủ yếu là các chiến cơ, với đầy đủ
các ưu điểm: tầm hoạt động xa, tính năng không chiến tuyệt vời, lại có
pháo 20 li hùng hậu nhưng lại không có gì phòng vệ.
Về căn bản tư tưởng đã khác nhau. Quân Nhật ngay từ đầu đã thấm
sâu tư tưởng xem thường sinh mệnh con người. Và đó chính là nguyên do
dẫn đến những cuộc tấn công cảm tử sau này.
Nhật Bản khi đó hoàn toàn không biết về VT fuze. Vậy nhưng theo
bản năng của mình, các đồng đội Kanbaku Suisei may mắn sống sót vẫn
nhận biết được.
“Nó đột nhiên phát nổ trước mắt tôi, như thể có cơ chế nào đó.” Đó là
lời một phi công Kanbaku Suisei kể lại với ta khi trở về. Cậu ta là phi công
máy bay ném bom sống sót từ sau trận Trân Châu Cảng nên những lời của
cậu ấy rất có trọng lượng. Tuy nhiên, dù có cố gắng truyền đạt thế nào, các
tham mưu đều không muốn tin về sự xuất hiện của một thứ vũ khí bí ẩn
mới. Họ chỉ nghĩ có lẽ kẻ thù đã gia tăng số lượng pháo đối không. Dù vậy,
giả sử có biết về VT fuze, ta nghĩ họ cũng không thể vạch ra được một đối
sách hiệu quả.
Trong cuộc chiến tổng lực của Hải quân Đế quốc Nhật Bản — Hải
chiến quần đảo Mariana, trong ngày đầu tiên, phe ta đã mất hơn 300 máy
bay và 2 mẫu hạm quý báu. Chỉ trong vài giờ binh lực đều bị tàn phá.
Ngược lại, tổn thất của quân Mỹ gần như là con số không.
Ngày thứ hai, đến lượt Hạm đội cơ động Mỹ tấn công hạm đội đang
tẩu thoát của phe ta. Vô số máy bay chiến đấu trên mẫu hạm tiến đến không
kích hạm đội ta. Ta lên đánh chặn nhưng cũng bất lực trong cảnh thiểu số
chống đa số ấy. Vừa bắn máy bay ném bom, vừa phải cố hết sức không để
bị chiến cơ địch bắn hạ. Mười mấy chiếc chiến cơ sao có thể bảo vệ được
mấy trăm chiếc máy bay ném bom cơ chứ?
Trong trận này, chiếc Zuikaku bị trúng bom, hư hỏng nhẹ. Đây là lần
đầu tiên từ sau khi khai chiến, chiếc Zuikaku bị bắn trúng. Cuối cùng, phe
ta đã thoát được sau khi mất mẫu hạm cải biến Hiyo và hai tàu chở dầu.