Hình như toàn đội học viên phi công đều đánh dấu tình nguyện.
Nhưng sau đó, ta nghe đồn rằng có vài người đã không đánh dấu, và bị
thượng cấp gọi riêng ra thuyết phục. Lời thuyết phục của thượng cấp trong
quân đội Nhật Bản thời ấy tương đương với mệnh lệnh, không thể kháng
cự.
Các cháu có nghĩ bọn ta thiếu chí khí không? Dù vậy, đó là việc mà
những người sinh ra và lớn lên trong bầu trời tự do bây giờ không thể hiểu
được. Ngay cả hiện tại, trong các tổ chức, cơ quan, có bao nhiêu người có
thể thẳng thắn nói “Không” với cấp trên khi cuộc sống của mình đang dựa
vào họ?
Khi nghe tin có vài người không đánh dấu tham gia, ta đã nghĩ dù sao
cũng sẽ bị thuyết phục, cũng sẽ bị bắt tình nguyện tham gia, vậy thì đánh
dấu tình nguyện ngay từ đầu có phải tốt hơn không.
Thế nhưng, bây giờ ta tin chắc rằng những chàng trai không đánh dấu
tham gia ấy thật sự rất bản lĩnh. Không trói buộc chuyện sống chết của bản
thân mình vào những người khác, quyết định bằng chính ý nguyện của bản
thân. Đó chính là những người đàn ông thật sự. Nếu đa phần người Nhật,
bao gồm cả ta đều giống như thế chắc chiến tranh đã sớm kết thúc rồi.
Người bắt ép họ phải tình nguyện tham gia có lẽ không phải thượng
cấp mà là chính chúng ta cũng nên. Bọn ta tuyệt nhiên không cảm thấy
mừng rỡ khi đón nhận cái chết, nhưng vào thời ấy, không có sự lựa chọn
nào khác. Quân đội ắt sẽ không tha cho các chiến sĩ không tình nguyện
tham gia đội cảm tử.
Thực ra ta còn nghe tin đồn thế này: Những người kiên quyết không
đăng ký tình nguyện tại các phi đội thực hành khác bị đưa ra lực lượng đổ
bộ ở tiền tuyến hoặc sẽ bị đưa vào các trận chiến gần như đã tuyệt vọng. Vì
là tin đồn nên ta không biết độ tin cậy thế nào, nhưng sống qua thời chiến
nảy rồi, ta tin nó cũng không xa sự thật là bao.
Quân đội thời bấy giờ hoàn toàn không nghĩ đến sinh mệnh của binh
sĩ. 4.400 thanh niên trẻ đã hy sinh vì tấn công cảm tử nhưng chỉ một cuộc
tấn công cảm tử trên biển của chiến hạm Yamato tại trận Okinawa, chúng ta
đã mất số mạng người gần như vậy.