cho đi lúc nào cũng được, nhưng nếu thế sẽ lại gây ra cuộc chiến không cần
thiết. Đó là lý do vì sao tao vẫn để hắn bên cạnh.
Tao chỉ thua Miyabe một lần, mà thật ra cũng chưa phải thua bởi hắn
đã không bắn rơi tao. Bọn bay nghĩ tao nghĩ lợi về phía mình à? Không
phải vậy đâu. Hắn đã không thể giết tao.
Từ sau hôm đó, tao đã biết quý trọng sinh mạng. Tao sợ cái chết uổng
phí. Đời tao trân trọng mạng sống của mình, chỉ có lúc ấy.
Cho đến ngày bắn hạ được máy bay Miyabe thì tao quyết không thể
chết. Tao không thể chết nếu ngày đó chưa đến. Ước mơ của tao là giao
chiến với Miyabe, súng máy của tao sẽ bắn máy bay hắn lỗ chỗ như tổ ong,
rồi rơi xuống.
Tao biết rằng chuyện ấy chẳng thể xảy ra. Chính vì thế nguyện vọng
của tao là sống lâu hơn Miyabe. Tao tự nhủ trong lòng rằng khi nghe tin
báo Miyabe bị địch bắn hạ, tao sẽ cười nhạo hắn. Chính lúc ấy, chiến thắng
thuộc về tao.
Hắn chết rồi! Tao đã thắng!
Nghe vậy bọn bay có căm ghét tao không? Nhưng căm phẫn tao là sai
rồi. Hắn chết vì tấn công cảm tử. Không phải do tao giết hắn.
Phi công thuộc phi đội Rabaul chẳng bao lâu được thu hồi về nội địa.
Tất cả phi công được tái tổ chức. Tao và Miyabe bị phân tách.
Kỳ lạ thay, tao đã nghĩ, “Miyabe à, đừng có chết đấy. Mày phải chết
trước mắt tao. Tao nhất định sống đến ngày đó!”
Tao trở thành giảng viên tại căn cứ Iwakuni, huấn luyện học viên dự
bị. Công việc của giảng viên chán ngán đến buồn nôn. Khóa huấn luyện
bay của học viên dự bị được chỉ định là một năm. Dù bọn chúng rất hăng
hái và ưu tú, nhưng một năm là chuyện không tưởng. Tao đã nghĩ, đào tạo
số lượng lớn phi công không thể sử dụng được thì để làm gì. Nhưng ngay
từ đầu, quân đội đã chiêu mộ chúng để làm phi công cảm tử.
Nhiều lần tao đã cầu xin Phi đội trưởng cho tao ra tiền tuyến, nhưng
những lời thỉnh cầu ấy chẳng được đáp lại.
Tháng Mười năm 1944, tao dẫn bọn chim non ấy đến Wonsan ở Triều
Tiên. Thứ chờ đợi tao ở đó vẫn lại là cuộc sống giảng viên. Tao đã nghe