Nói xa hơn, bom hay ngư lôi của máy bay cũng sẽ không thể trúng đích.
Chính vì thế, việc bay ngang được khắc sâu vào nhận thức phi công một
cách triệt để.
Thế nhưng, khi bay ra phía trước tao, hắn đã cố ý cho thân máy bay
ngã. Tao lại đuổi theo hắn theo bản năng. Tuy nhiên, khi đuổi theo thẳng
hướng máy bay của hắn thì máy bay tao cũng ngã đi mà không biết. Hiểu
không? Tao bám ngay sau hắn. Hai chiếc Reisen bay thành hàng dọc,
nhưng thật ra lại cùng ngã. Tao đã bắn trong trạng thái đó, đạn bị lệch một
khoảng lớn.
Không phải vô ý mà hắn bay lên phía trước. Là hắn thử tao. Tao đã
hiểu tại sao hắn vẫn còn sống từ trận Trân Châu Cảng đến giờ. Người nắm
bắt kỹ thuật ấy như vậy thì không có lý nào bị phi công Mỹ bắn hạ. Hắn
đích thị là một phi công đáng sợ như quỷ Atula.
Tao bị nhấn chìm trong cảm giác thất bại thảm hại. Đã thua trong trận
không chiến, lại còn bị thử lòng. Khi nhận ra điều đó, lòng tao dâng tràn
giận dữ. Tao đã thề một ngày nào đó nhất định sẽ bắn bằng được hắn. Đêm
hôm ấy, trong căn phòng tối, tao đã mơ thấy cảnh máy bay Miyabe bốc
cháy và rơi xuống.
Đối với tao, kẻ địch không phải Mỹ, cũng chẳng phải Nhật. Tao sẽ trở
thành phi công không thất bại trước bất kỳ ai. Đó là ước mơ, là khát vọng
của tao. Tao hoàn toàn không sợ cái chết, một khi đã dùng toàn lực chiến
đấu thì dù có bị bắn, tao cũng cảm thấy thỏa lòng. Bị tiêu diệt trong trận
không kích đặc biệt khoan khoái hơn chết vì những căn bệnh tầm phào như
sốt rét hay sốt xuất huyết. Huống chi chết vì già cỗi thì quá tầm thường.
Chẳng phải vậy sao?
Thế mà tao đã không chết trên bầu trời. Sau chiến tranh, nhiều lần
mạng sống của tao cũng đã bị đe dọa, nhưng chẳng mảy may một lần sợ hãi
cái chết. Trên người tao có vô số vết dao, có cả lỗ đạn, nhưng có lẽ thần
chết đã bỏ qua tao chăng. Tao cũng không nghĩ mình có thể sống đến ngần
này tuổi.
Thằng đứng cạnh tao là thành viên trong băng gửi đến đào tạo, định
kèm cả cận vệ cho tao. Đúng là một sự chu đáo dư thừa. Linh hồn của tao