Khi ấy ta không nhận ra nhưng bây giờ ta biết, họ đã mạnh mẽ biết
nhường nào. Chẳng có ai hoảng sợ, thất kinh trước cái chết.
Đã nhiều lần nghe mã dài, ta nín thở, tập trung toàn bộ ý thức để lắng
nghe tín hiệu cuối cùng của cuộc đời họ. Chẳng có gì ví được với nỗi nặng
nề của khoảng thời gian âm thanh đó vang lên cho đến khi nó ngừng lại.
Khoảnh khắc âm thanh đó kết thúc, cuộc đời của một chàng trai trẻ cũng
chấm hết. Ta không biết phải diễn đạt nỗi sợ hãi và đau đớn lúc đó như thế
nào, cảm giác như kim đâm vào tim vậy.
Trong tai ta bây giờ vẫn còn vang lên âm thanh ấy. Ngay cả bây giờ,
nhiều khi nghe thấy những âm thanh giống như vậy, người ta đông cứng,
trống ngực đập dữ dội, không thể đứng dậy nổi.
Nói về chuyện Miyabe nhé!
Vì anh ấy là phi công kỳ cựu từ trận Trân Châu Cảng, nên ở căn cứ
Kanoya ai cũng kính nể.
Thực ra ta từng mơ ước trở thành phi công. Ta đã dự thi khóa huấn
luyện dự bị, nhưng bị trượt. Nói ra điều này thật không phải với những
người đã khuất, nhưng ta nghĩ việc trượt khóa huấn luyện dự bị lại là điều
may mắn. Nếu lúc ấy được nhận vào khóa huấn luyện dự bị chắc ta đã chết
vì tấn công cảm tử rồi.
Ta và thiếu úy Miyabe thường xuyên gặp nhau trong phòng thông tín.
Thiếu úy Miyabe là phụ tá phân đội trưởng nên thường đến hỏi về
thông tin của đội tấn công và đội trinh sát. Miyabe là Thiếu úy đặc vụ
nhưng không tỏ vẻ kiêu ngạo như những sĩ quan xuất thân từ trường Hải
quân, mà rất thân thiện bắt chuyện với các binh lính nên ta khá mến con
người ấy.
Thiếu úy Miyabe ở Kanoya thực hiện nhiệm vụ yểm trợ cho máy bay
cảm tử trước máy bay chiến đấu địch, tiến đến mẫu hạm địch bình an vô sự.
Tuy không hiểu lắm về chiến cơ, nhưng ta có thể tưởng tượng được việc
bảo vệ máy bay cảm tử khỏi các chiến cơ vượt xa về tính năng, lại áp đảo
về số lượng là chuyện khó khăn đến mức nào.
Mỗi lần xuất kích đều có máy bay yểm trợ hy sinh, có lúc toàn đội
không ai quay về được. Nói cách khác, dù không phải máy bay cảm tử