Trao qua đổi lại với chàng sĩ quan dự bị trẻ nhiều lần, cuối cùng cậu ta
đành thua cuộc, đồng ý đổi máy bay. Tình cảnh lúc ấy ta vẫn còn nhớ rõ.
Cuộc đối thoại giữa hai người rất kỳ lạ nhưng sự việc xảy ra sau đó lại càng
in đậm trong ký ức ta. Họ xuất kích trước lúc bình minh. Hôm đó, thiếu úy
Miyabe đã không trở về.
Ông Onishi có vẻ sợ hãi, lặng im. Sau một khoảng lặng dài, ông nói.
“Trong chuyện này, có điều thật khó nói.”
“Là gì vậy ạ?”
Ông Onishi dường như vẫn loay hoay để nói thành lời.
“Dù là chuyện gì, xin ông hãy nói cho chúng cháu biết.” Nghe tôi nói
vậy, ông Onishi như hạ quyết tâm, mở lời. “Reisen trang bị bom xuất kích
tấn công cảm tử khi ấy có 6 chiếc, nhưng một chiếc duy nhất vì sự cố động
cơ đã hạ cánh khẩn cấp xuống Kikaijima.
Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng tôi.
“Chiếc đó... Lẽ nào là...”
“Đúng vậy. Đó là chiếc lẽ ra ban đầu Miyabe sẽ lái. Chiếc Reisen 52.
Phi công là người đã nhường chiếc 21 cho anh ấy.”
Tôi nghẹn lời.
“Nếu Miyabe không bảo đổi máy bay, thì người được sống có thể đã là
anh ấy.”
“Sao lại thế chứ!” Chị cất tiếng kêu bi thảm.
“Đây chính là định mệnh phải không? Cuối cùng thì Miyabe đã bị nữ
thần số mệnh bỏ rơi.”
“Thật kinh khủng!” Chị kêu lên, còn tôi chết lặng.
“Nhưng nếu đó là số mệnh thì chẳng phải ông ngoại đã lựa chọn con
đường chết cho mình sao?”
Ông Onishi không đáp lại câu nói của tôi.
Vào ngày xuất kích cuối cùng ông ngoại đã nhìn thấy chiếc 21 đầy kỷ
niệm và muốn lái nó đi chết sao? Có phải ông muốn chết cùng người chiến
hữu khi xưa ở Guadalcanal không? Nếu không xuất hiện chiếc 21 đó, có
phải ông sẽ không đổi máy bay, và có thể kéo dài mạng sống của mình hay
không?