chiến Biển San Hô, người đã dẫn đường cho đội tấn công phe ta và không
bao giờ quay trở về nữa, hay như Đại úy Tomonaga xuất kích tấn công
quyết tử trong trận Midway. Nhưng nhát chết không phải là lý do chính
đáng để không bị lên án.
Tuy nhiên, ta chỉ nói một điểm này. Kỹ thuật lái máy bay của Miyabe
là số một. Chính miệng ta nói ra thật là xấu hổ, nhưng việc được chọn vào
Hạm đội Không quân Một vào thời đầu khai chiến là minh chứng cho một
phi công thượng đẳng. Sau đó, ở chiến trường tàn khốc Guadalcanal mà
vẫn có thể sống là bởi cậu ấy thật sự là một phi công tài giỏi.
Đá trong hai ly cà phê trước mặt đã tan hết. Tôi quên cả uống vì
choáng ngợp với câu chuyện của cựu Trung úy Hải quân Ito Kanji. Đối với
một đứa trước giờ hầu như không biết gì về trận chiến Thái Bình Dương
như tôi, mọi thứ đều quá đỗi kinh ngạc.
Cuộc chiến của các mẫu hạm cuối cùng lại chính là cuộc chiến giữa
con người với nhau. Sự chênh lệch về lực lượng không phải là nhân tố
quyết định thắng bại, mà chính lòng dũng cảm, sự quyết đoán, hơn hết,
năng lực bình tĩnh phán đoán mới là nhân tố phân định thắng-thua, sinh-tử.
Ngay cả như vậy, những binh sĩ thời đó sống trong một thế giới mới
tàn nhẫn làm sao. Sáu mươi năm trước, thực sự đã xảy ra một cuộc chiến
như vậy. Ông ngoại cũng là một chiến sĩ trên chiến trường đó.
Ông Ito đã nói, ông ngoại tuy nhát chết nhưng lại là một phi công tài
giỏi. Câu chuyện đó đã an ủi tôi phần nào.
“Miyabe đã mất trong cuộc tấn công cảm tử à?” Ông Ito đột nhiên hỏi.
“Ông cháu tử trận vào tháng Tám năm 1945, ngoài khơi quần đảo
Nansei ạ.”
“Tháng Tám ư? Ngay trước khi chiến tranh kết thúc. Vậy là lúc đó
ngay cả những phi công lão luyện như Miyabe cũng phải lái máy bay cảm
tử.”
“Hiếm có phi công giỏi giàu kinh nghiệm nào tham gia đội quân cảm
tử hay sao ạ?”
“Phần nhiều phi công hy sinh trong các cuộc tấn công cảm tử đều là
những phi công trẻ, học viên của khóa huấn luyện dự bị. Hải Lục quân đã