“Cảm tử quân có phải là những người cá biệt như vậy không ư? Theo
tôi, không phải vậy. Họ cũng giống những người bình thường, có điều
nhiệm vụ của họ là phi công, phải vậy không?”
Takayama nhắm mắt, im lặng một chút.
“Đây là vấn đề cơ bản. Cảm tử quân là những binh lính tự nguyện. Họ
không bị quân đội bắt nhập ngũ, hay bị đẩy ra chiến trường theo lệnh triệu
tập bằng Giấy đỏ thông thường. Nếu Kamikaze do những người lính nghĩa
vụ thực hiện thì ta sẽ nhìn ở một góc độ khác. Nhưng toàn bộ không quân
thời đó là quân nhân tình nguyện. Cả những học viên dự bị, lẫn những thiếu
niên phòng không. Nếu nói theo cách đó, thì tất cả cảm tử quân đều là
những người mong muốn làm quân nhân, mong muốn được chiến đấu.”
Là vậy sao? Tôi thầm nghĩ.
“Ông ngoại cậu 15 tuổi đã gia nhập Hải quân phải không? Vậy không
phải là đi nghĩa vụ quân sự mà là tình nguyện rồi.” Trước khi tôi kịp trả lời,
chị đã chen vào.
“Ý anh muốn nói rằng tinh thần ban đầu của lính nghĩa vụ và lính tình
nguyện là khác nhau đúng không? Rằng các quân nhân tự nguyện có xu
hướng chấp nhận tham gia đội quân cảm tử.”
“Đúng vậy đấy, cô Saeki. Tuy nhiên, cũng không hoàn toàn khác nhau,
chỉ là những người lính tự nguyện ngay từ đầu đã sẵn lòng hy sinh vì Tổ
quốc lớn hơn những người bình thường.”
Những chuyện Takayama đang nói một điều có lý hai điều cũng có lý.
Đúng là không thể đánh đồng lính nghĩa vụ và lính tình nguyện.
Ngay từ đầu, tại sao ông lại gia nhập Hải quân chứ?
Ông Hasegawa vì chạy trốn hiện thực, ông Ito thì vì mơ ước làm phi
công nên gia nhập Hải quân. Chắc ông ngoại cũng là một thiếu niên mong
ước trở thành phi công chăng?
“Mặt khác, tôi có một chuyện muốn nhờ cậu Saeki. Tôi có thể viết bài
về hành trình tìm hiểu ông ngoại của cậu lần này được không?”
“Chuyện của tôi sao?”
“Chị của cậu cũng được, nhưng tôi nghĩ viết về một chàng trai trẻ thì
tốt hơn. Hình thức thế nào thì tôi vẫn chưa quyết định, nhưng tôi nghĩ