“Ông của chúng tôi là một người quý trọng sinh mạng, là một người
của gia đình.”
“Thời đại nào cũng có tình yêu gia đình. Nhưng trước chiến tranh,
nhiều người chịu ảnh hưởng tư tưởng của nền giáo dục rằng Thiên hoàng là
hiện thân của thần linh. Dù vậy, đó không phải lỗi của ông ấy. Đó là lỗi của
thời đại.”
“Tôi nghĩ ông ngoại chúng tôi không xem trọng Thiên hoàng hơn gia
đình đâu.”
Takayama gật đầu, đưa ly cà phê lên miệng.
“Cậu không hiểu về thời đại đó rồi, Nhật Bản trước chiến tranh là
quốc gia cuồng tín. Nhiều quốc dân đã bị quân đội tẩy não, họ cảm thấy
việc chết vì Thiên hoàng dẫu có gian khổ thế nào cũng không màng, thậm
chí còn vui sướng. Phóng viên chúng tôi xem việc không để đất nước này
rơi vào thứ tư tưởng đó lần thứ hai là sứ mệnh của mình.”
“Nhưng sau chiến tranh tôi cũng chưa từng nghe bà mình tung hô
Thiên hoàng. Hơn nữa, gia đình cũng chẳng dạy chúng tôi rằng Thiên
hoàng là một người vĩ đại.”
“Đó là nhờ việc tẩy não đã được xóa bỏ. Tôi nghĩ rằng nhiều nhà tư
tưởng sau chiến tranh và các phóng viên đàn anh của tôi đã thức tỉnh quốc
dân. Tôi trở thành nhà báo cũng vì muốn noi gương những người đi trước
đó. Và giờ đây, tôi đặt việc đó làm mục tiêu của mình.”
Takayama nói, nụ cười có chút e dè, tỏ vẻ mình đang rất thành thật.
Chị tôi nhìn anh ta đầy tin tưởng.
Đầu tôi vang vọng những lời nói của Takayama. Có thể anh ta đúng
nhưng lòng tôi vẫn rất hoang mang. Tại sao thì tôi không rõ.
Suy nghĩ một lát, tôi nói.
“Tôi không nghĩ người Nhật và các phần tử Hồi giáo cực đoan lại
giống nhau.”
“Tôi không nói là toàn bộ người Nhật. Tôi chỉ đang nói về điểm chung
của cảm tử quân và những tên khủng bố đánh bom liều chết.”
“Thế thì, anh nghĩ cảm tử quân là những thành phần cá biệt sao?”
Takayama nghiêng đầu. “Ý cậu là sao?”