đánh bom liều chết. Đây là chuyện hy hữu, nên người ta sẽ dễ cho rằng hai
nhóm này có điểm chung nào đó. Và thật sự hai nhóm này rõ ràng có điểm
chung. Bây giờ, báo chí Mỹ đang gọi các vụ khủng bố đánh bom liều chết
là Kamikaze.” Takayama trả lời tôi, nhưng ánh mắt lại không rời khỏi chị.
Ý kiến về sự giống nhau giữa đội cảm tử quân và khủng bố mà trước
đây chị từng nghe theo lời ai đó thì ra là của anh ta. Sau đó, tôi tra cứu trên
Internet cũng thấy có không ít những lời khẳng định “Tấn công cảm tử là
khủng bố”. Dường như đây không phải là một quan điểm hiếm gặp. Vài
phát thanh viên nổi tiếng trên tivi cũng từng phát ngôn như thế. Thật đáng
tiếc, đối với kẻ hoàn toàn không biết gì về đội cảm tử quân như tôi thì đó
lại là vấn đề tôi không thể phủ định hay khẳng định.
“Khi đọc hồi ký của các thành viên đội quân cảm tử, tôi biết rằng
nhiều người đã hy sinh tính mạng của mình với tinh thần tử vì đạo mang
tính tôn giáo. Có người viết rằng ngày xuất kích là một ngày vui lớn. Tuy
nhiên, đó không phải là việc đáng ngạc nhiên. Nhật Bản trước chiến tranh
là đất nước của các vị thần, bị chi phối bởi sự hiện thân của thần linh, nên
việc có nhiều người trẻ vui mừng được chết vì đất nước là đương nhiên.”
Takayama cúi mặt, hướng mắt nhìn xuống. “Đây rõ ràng là tinh thần tử vì
đạo. Chính điều này là điểm chung với hành động khủng bố đánh bom liều
chết của các phần tử Hồi giáo cực đoan hiện tại.”
Lập luận của Takayama rất chặt chẽ nhưng tôi lại không thể chấp nhận
tất cả. Có lẽ bởi tôi không muốn thừa nhận rằng ông mình cũng là một tên
khủng bố.
Anh ấy dò hỏi chị. “Hình như ông ngoại của cô cũng là phi công của
đội quân Kamikaze?” Keiko gật đầu.
“Biết chuyện của ông ngoại cô mà lại nói những lời thế này, thật
không phải nhưng...”
“Không sao. Anh cứ nói.”
“Tôi nghĩ những phi công tấn công cảm tử là những người yêu nước
cuồng nhiệt, cả đời nguyện hiến dâng mạng sống cho Tổ quốc và Thiên
hoàng.”
Chị gật đầu, nhưng tôi phản biện.