Ông Izaki bắt đầu câu chuyện.
Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện bay ở Yatabe, Ibaraki, đầu tiên ta
được phân vào Phi đội Tainan. Đó là vào tháng Hai năm 1942, tính theo âm
lịch thì ta 20, dương lịch cũng đã hơn 18.
Sau khi tốt nghiệp trường tiểu học nâng cao, ta làm việc tại một nhà
máy dệt địa phương, 15 tuổi thì gia nhập Hải quân. Năm đầu ta làm pháo
thủ của thiết giáp hạm Kirishima, nhưng rồi nghe tin có đợt tuyển không
quân từ lính thủy, nên ta tham dự kỳ thi thao luyện và trở thành phi công.
Tại sao ta lại gia nhập Hải quân ư? Thời đó, con trai đủ 20 tuổi sẽ bị
gọi nhập ngũ, ta nghĩ nếu đằng nào cũng phải vào quân đội thì vào Hải
quân sẽ tốt hơn. Hơn nữa, làm việc ở nhà máy dệt lương rất thấp, công việc
nặng nhọc, lại không có tương lai. Theo cách nhìn bây giờ, vì thế mà tình
nguyện xin vào quân đội, sống nay chết mai, chắc là rất lạ lùng nhỉ? Nhưng
ở thời đó lại là bình thường. Bây giờ nghĩ lại, lý do gia nhập Hải quân của
ta chính là sự nghèo khổ.
Cuộc chiến chống Mỹ đã bắt đầu từ tháng Mười hai năm trước. Ở phi
đội Yatabe, ta đã được nghe chuyện Trân Châu Cảng. Sau đó, ta được cử
đến căn cứ Clark tại Philippines. Đó là căn cứ không quân của Mỹ, nhưng
ngày thứ hai sau khi khai chiến, các máy bay ở đó đều bị Phi đội Tainan
tiêu diệt, sau đó bị quân Nhật chiếm đóng. 34 chiếc Reisen của Phi đội
Tainan gần như đã bắn hạ cả 60 chiến cơ của Mỹ. Phe ta chỉ bị thiệt hại một
chiếc.
Khi ta đến Philippines, quân Mỹ đã bị quét sạch, khung cảnh hoàn
toàn bình lặng. Phi đội Tainan toàn các chiến binh kỳ cựu, chỉ riêng ta là
còn non nớt. Khi đó, cấp bậc của ta là Nhất đẳng binh
. Trong Hải quân
phân ra các quân hàm tuần tự là binh sĩ, hạ sĩ quan và sĩ quan.
Vừa đến căn cứ Clark, một hạ sĩ quan đã bảo ta. “Tập không chiến
nào!” Nói vậy nhưng cũng chỉ là diễn tập không chiến, đánh bọc hậu đối
phương như trận không chiến thật.